Si Ma Cai hiện có hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, La Chí, Cờ Lao, Phù Lá… Sống trên vùng đất có địa hình đá lớn, bị chia cắt mạnh, nguồn nước tưới hạn chế, nên từ xa xưa nghề chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa…) đã là nghề truyền thống, mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Chăn nuôi gia súc là một trong hai mũi nhọn sẽ được huyện đầu tư mạnh để thúc đẩy kinh tế địa phương. |
Nuôi đúng con, trồng đúng cây
Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã triển khai Nghị quyết 22 tập trung nguồn lực và tăng cường cán bộ, cùng với cơ chế, chính sách “đặc biệt” cho Si Ma Cai, huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh.
Theo đó, huyện chọn hai con gia súc chủ lực là trâu và bò để xây dựng vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong huyện, đồng thời cung cấp thực phẩm sạch cho khu du lịch Sa Pa, TP. Lào Cai, các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu.
Ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết sau quá trình khảo sát, huyện đã lấy các xã Bản Mế, Sín Chéng, Cán Cấu, Nàn Sán, Mản Thẩn… có điều kiện tự nhiên phù hợp về khí hậu, kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn cỏ tự nhiên và đất đai rộng, để làm điểm phát triển chăn nuôi tập trung.
Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực của địa phương về vốn vay, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cùng sự chủ động của các hộ sản xuất, mô hình chăn nuôi đại gia súc nhanh chóng cho thấy hiệu quả vượt trội, mở lối thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Năm 2018, gia đình anh Lùng A Phòng, dân tộc Mông, xã Bản Mế, được hỗ trợ một cặp bò giống từ nguồn vốn Nghị quyết 22. Anh Phòng cho biết, thấy chăn nuôi bò phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã chủ động vay vốn xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư mua thêm 11 con bò giống.
“Mỗi con bò giống sau 12 đến 15 tháng sẽ cho một lứa, sau khoảng 2 năm có thể xuất bán bê con với giá thị trường hiện nay dao động khoảng 20 đến 30 triệu đồng/con. Mỗi năm xuất khoảng 10 con sẽ cho lãi khoảng 200 đến 300 triệu đồng/năm”, anh Phòng nhẩm tính.
Tương tự như ở Bản Mế, các xã Mản Thẩn, Cán Cấu, Nàn Sán, Lử Thẩn… cũng đang phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi đại gia súc. Tính đến cuối năm 2020, đã có trên 1.200 hộ nghèo và cận nghèo huyện Si Ma Cai được hỗ trợ trâu, bò sinh sản, tạo nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.
Cùng với chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới cũng là lĩnh vực mũi nhọn được huyện Si Ma Cai chú trọng đầu tư, tập trung tại các xã nằm ở độ cao 1.200 - 1.600 m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm cao, với các loại cây chính gồm lê xanh, mận hậu, mận tím Tả Van…
Xã Nàn Sín từng là một trong những “lõi nghèo” của huyện Si Ma Cai, với đủ thứ “nhất” khiến người đến thăm phải rùng mình như cao nhất, xa nhất, nghèo nhất, ít học nhất,… đến nay đã và đang có bước chuyển mình ngoạn mục.
Đơn cử như ở thôn Phìn Chư 3, từ không có đường, không có điện, đến nay đã có đường bê tông và điện lưới quốc gia. Đặc biệt, hơn 130 hộ người Mông trong thôn giờ chỉ còn 29 hộ nghèo. Người dân bên cạnh chăn nuôi đã trồng được hơn 70 ha quế, mở ra triển vọng làm giàu trong tương lai.
Xây dựng sinh kế bền vững
Để có được những thành công trong thời gian qua, ông Sùng Seo Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Nàn Sín, bộc bạch: “Những năm qua, xã đã đưa ra hàng loạt chương trình hỗ trợ, vận động người dân phát triển sản xuất như trồng 13 ha thảo quả, gần 10 ha cây sa nhân tím, 4,7 ha bắp cải trái vụ, gần 6 ha lê tai nung, chuẩn bị trồng thêm 2 ha mận, 4 ha quýt ngọt…”.
Cùng với chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ôn đới cũng là trọng điểm kinh tế huyện Si Ma Cai. |
Năm 2020, xã Nàn Sín chỉ còn 104 hộ nghèo, chiếm 21,7% tổng số hộ. Đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tiếp sức từ các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thành công ở “lõi nghèo” Nàn Sín đang cho thấy các chính sách hỗ trợ của các cấp của tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, huyện Si Ma Cai đang đi đúng hướng, với hai mũi nhọn là nuôi đại gia súc và trồng cây ôn đới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Đình Hạnh cho hay tính đến cuối năm 2020, toàn huyện đã giảm được 221 hộ nghèo, còn 1.000 hộ nghèo, chiếm 13,09%. Động lực giúp huyện đạt được kết quả giảm nghèo trước hết là sự thúc đẩy từ các chương trình, dự án hỗ trợ, ưu tiên của Chính phủ.
Điển hình, từ Nghị quyết 30a, Si Ma Cai được hỗ trợ hơn 61 tỷ đồng, cùng với đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó, hỗ trợ người dân trồng 246 ha cây ăn quả ôn đới, 66 máy thái cỏ đa năng, trồng gần 118 ha cây dược liệu, 18 ha rau trái vụ, 20 con ngựa bạch…
Từ chương trình 135, huyện Si Ma Cai được giao hơn 15,8 tỷ đồng và các dự án phát triển sản xuất như trồng rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Tổng nguồn vốn được giao từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2020 dành cho Si Ma Cai là hơn 169 tỷ đồng.
Năm 2021, mục tiêu của huyện Si Ma Cai là giảm 2,5% hộ nghèo. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
“Cách làm của Si Ma Cai là vận động, khơi dậy tính tự giác, tích cực tham gia của người dân trong các chương trình, đề án giảm nghèo. Đẩy mạnh và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để phong trào giảm nghèo phát triển sâu rộng, thực chất”, ông Lưu Đình Hạnh nhấn mạnh.
Bài 2: Liên kết sản xuất lớn
Nhật Minh