Tại Lễ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) trị giá 51,5 triệu USD ngày 22/10 tại Hà Nội giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định, thỏa thuận đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.
Việt Nam lần đầu được quốc tế chi trả giảm phát thải từ rừng (Ảnh minh họa: Int) |
ERPA được ký kết nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO₂e từ vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF, với tổng số tiền nhận từ FCPF là 51,5 triệu USD. Trong đó, Bộ NN&PTNT với tư cách là chủ chương trình và WB với tư cách là cơ quan được FCPF ủy thác.
Theo điều khoản thương mại được kết kết, một nhánh của ERPA sẽ nhận chuyển nhượng khoảng 5% tổng lượng giảm phát thải ký kết với Bộ NN&PTNT, tương đương khoảng 0,515 triệu tấn CO₂e và lượng giảm phát thải bổ sung (nếu có).
Nhánh còn lại của ERPA nhận chuyển nhượng khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết với Bộ NN&PTNT, tương đương khoảng 9,785 triệu tấn CO₂e và lượng giảm phát thải này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho mục đích đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Thời điểm chuyển giao lại cho Việt Nam được xác định sau khi hoàn thành ERPA.
Tại lễ ký kết thỏa thuận, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, đây là sự kiện đặc biệt với ngành lâm nghiệp Việt Nam, thể hiện nỗ lực cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc giảm phát thải.
Việt Nam đã cam kết với nỗ lực cao nhất sẽ giảm phát thải khí các bon 8% vào năm 2030 và nỗ lực để nâng lên mức 25%.
“Với việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo luật pháp thông lệ quốc tế, Việt Nam từ bây giờ đã có thể chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn thực thi dựa vào thực tế phát thải CO₂. Đây là nguồn bổ sung thêm rất có ý nghĩa với bà con trồng rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Việt Nam hy vọng sẽ cùng một số nước đi đầu sẽ thúc đẩy hình thành một thị trường các bon phát triển”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Đ.N