Chiều ngày 11/10/2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/ 2017.
Số liệu công bố cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong quý III, với mức tăng trưởng 7,46% (yoy), cao nhất trong vòng 07 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước (6,17%) cũng như cùng kỳ các năm trước (2015: 6,87%, 2016: 6,56%). Tính chung chín tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41% (yoy), tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%).
Kinh tế Việt Nam tăng tốc bất thường trong quý III
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,25% trong ba quý đầu năm (yoy), liên tục gia tăng trong các năm từ 2015-2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và lĩnh vực kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ, lần lượt đạt 7,89% và 3,99% (yoy).
Khu vự nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi so với năm 2016. Tăng trưởng khu vực này trong chín tháng đầu năm đạt 2,78%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm ngoái và cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,08% của năm 2015. Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi cho hoạt động của ngành thủy sản và lâm nghiệp, đưa tăng trưởng của hai ngành này lần lượt đạt 5,42% và 5,00% (yoy). Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng trong Quý 3 khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 1,96%.
Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước đó, đặc biệt thấp hơn đáng kể so với năm 2015 (2015: 9,72%; 2016: 7,68%; 2017: 7,17%, yoy).
Sự suy giảm này vẫn chủ yếu đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,08% yoy). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn không ngừng cải thiện tốc độ tăng trưởng, với mức tăng trưởng rất cao 12,77% (yoy) trong ba quý đầu năm, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây (2013: 6,58%; 2014: 7,09%; 2015: 10,15%; 2016: 11,22%).
Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn tăng trưởng khả quan ở mức 8,3% (yoy), mặc dù thấp hơn mức tương ứng của hai năm trước, đều trên 9%, (yoy).
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng liên tục cải thiện rõ rệt trong quý III. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ đều đã vượt mức trung bình của năm 2016, cho thấy mức sụt giảm hồi đầu năm chỉ mang tính chất tạm thời. Cụ thể, tới hết tháng Chín, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% (yoy), cao nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay. Trong đó, IPI ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8% (yoy), mức ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tương tự như vậy, chỉ số tiêu thụ liên tiếp được cải thiện, đạt mức tăng trưởng 9,8% (yoy) tính đến hết tháng Tám. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp giảm nhẹ trong quý, xuống còn 9,9% (yoy) vào tháng Tám.
Theo VEPR, mức tăng trưởng cao trong quý III phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn, vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế.
Trong khi đó, chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index), do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, tang trưởng tín dụng và PMI sản xuất, cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế trong quý III.
Tuy nhiên, mức độ hồi phục này thấp hơn so với công bố của TCTK về tăng trưởng GDP, do chỉ số VEPI luôn có xu hướng biến động ổn định hơn. Cụ thể, VEPI Quý 3 đạt 6,56%, cao hơn so với hai quý trước và cùng kỳ năm 2016 tuy nhiên thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP 7,46%. Trong trường hợp khoảng cách giữa tăng trưởng GDP và VEPI doãng ra một cách bất thường, chúng ta có thể phải lưu ý lại tính thống nhất của số liệu.
Trong các chỉ tiêu thành phần của VEPI, ngoài xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao (nhưng vẫn thấp hơn so với quý trước), thì các chỉ tiêu còn lại đều tăng trưởng ở mức trung bình, không có đột biến.
Lê Thuý