Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hiện vận hành những nhà máy khổng lồ ở cả Trung Quốc và Việt Nam, sản xuất hàng triệu chiếc điện thoại thông minh cho thị trường toàn cầu. Và khi nói về chất lượng, không có sự khác biệt giữa các thiết bị Android được lắp ráp tại hai quốc gia này, theo ông Lam Nguyen, giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường IDC Indochina.
“Chất lượng của một chiếc điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam chắc chắn ngang bằng với một chiếc được sản xuất tại Trung Quốc”, ông nhận xét.
Các nhà máy của Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong vài năm qua và hiện đang ngang bằng với Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp. |
Sự trỗi dậy của Việt Nam
Không chỉ có điện thoại, theo các nhà phân tích, nhiều nhà máy tại Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong vài năm qua và hiện đang bắt kịp các đối thủ Trung Quốc cả về chất lượng lẫn giá cả trên nhiều ngành công nghiệp.
Xu hướng này là một mối quan ngại đối với Trung Quốc khi nước này chuẩn bị đối mặt với một cuộc đối đầu thương mại mới với Hoa Kỳ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc duy trì vị thế thống trị với tư cách là “nhà máy của thế giới”, với ngành sản xuất khổng lồ mang lại lợi thế rõ ràng về hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam đã nổi lên như một đối thủ thực sự trong 15 năm qua.
Khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018, Việt Nam đã đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ khi các tập đoàn đa quốc gia chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc.
Hiện tại, ông Trump đang dọa tăng thuế đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc - động thái có thể khiến nhiều công ty di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn để tận dụng cơ hội này so với lần trước, vì các nhà máy của nước này đã dịch chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn và nâng cao tiêu chuẩn.
"Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về chất lượng, khả năng cạnh tranh về giá cả và tính sẵn có", theo ông Alberto Vettoretti, đối tác quản lý của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates.
Như ví dụ về Samsung cho thấy, chất lượng xuất khẩu của các mặt hàng tiêu chuẩn như đồ điện tử, ô tô và quần áo thương hiệu hiếm khi khác nhau, vì các tập đoàn đa quốc gia yêu cầu cùng một tiêu chuẩn với các nhà máy ở cả hai quốc gia, các nhà phân tích cho biết.
"Để có thể cạnh tranh trên thị trường như vậy, bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất", ông Zach Herbers, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh Herbers Agency có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Statista, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 354 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm đạt 3,38 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu hải quan.
Lợi thế của Việt Nam
Nhưng đối với các sản phẩm ít chuẩn hóa hơn, vẫn có sự khác biệt về chất lượng giữa hai quốc gia. Việt Nam được công nhận về năng lực sản xuất một số ngành hàng cụ thể, trong khi Trung Quốc nổi tiếng với sản xuất hàng loạt tiết kiệm chi phí.
Không giống như Trung Quốc, Việt Nam từ lâu đã có uy tín trong việc xuất khẩu đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp đóng gói như cà phê và hạt điều.
Giám đốc điều hành Herbers Agency cho biết ngành nội thất Việt Nam “nổi tiếng thế giới”, với một “hệ sinh thái” hoàn chỉnh hỗ trợ sản xuất. Phần lớn gỗ nguyên liệu là gỗ địa phương, giúp giảm chi phí. Các công ty đa quốc gia như nhà bán lẻ đồ nội thất toàn cầu Ikea hiện có trung tâm hoạt động tại Việt Nam nhờ lợi thế này.
Cà phê cũng là một thế mạnh. Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ thời pháp thuộc và phát triển mạnh từ những năm 1990 khi giá cà phê toàn cầu tăng cao, thúc đẩy làn sóng nông dân trồng cà phê để xuất khẩu. Ngày nay, các chuỗi cửa hàng trong nước như Highlands Coffee và Phúc Long có mặt ở khắp TP HCM, khiến Starbucks trở nên ít phổ biến hơn.
Các nhà máy sản xuất giày dép và hàng may mặc của Việt Nam cho thị trường toàn cầu cũng đã xây dựng được danh tiếng về giá cả cạnh tranh" và quy trình sản xuất hiệu quả, ông Vettoretti cho biết. Nike và Patagonia là hai thương hiệu lớn đang đặt hàng tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành sản xuất của Việt Nam cũng ngày càng chuyển dịch sang các lĩnh vực có giá trị cao hơn như điện tử, máy móc và xe điện.
Cuộc đua với Trung Quốc
Dù sản xuất bất cứ mặt hàng gì, lợi thế chính của Việt Nam vẫn là nguồn lao động giá rẻ. Theo báo cáo của công ty tư vấn PwC, chi phí lao động trung bình theo giờ của Trung Quốc cao gấp đôi Việt Nam vào năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nhà máy của Trung Quốc vẫn có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất hàng loạt các mặt hàng như đồ điện tử. Chuỗi cung ứng trưởng thành của họ cũng đảm bảo cho nguồn cung dồi dào.
“Mặc dù Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách, nhưng tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với Trung Quốc", Winnie Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam, cho biết.
Victor Gao, Phó chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết khi mua áo sơ mi tại các cửa hàng bách hóa ở Mỹ, ông vẫn thấy rằng hàng may mặc sản xuất tại Trung Quốc bền hơn so với các sản phẩm khác.
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm rằng các nhà máy Trung Quốc vượt trội trong việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng đồng đều và linh hoạt trong việc thay đổi linh kiện.
Còn ông Alberto Vettoretti cho biết Trung Quốc cũng có lợi thế nhờ lực lượng lao động đông đảo và lành nghề, chuỗi cung ứng toàn diện và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Thách thức của Việt Nam hiện nay là phải sánh ngang với Trung Quốc về giá trong các danh mục xuất khẩu yêu cầu quy mô và hiệu quả chi phí cao. Ông cũng nói thêm rằng đồ điện tử tiêu dùng và xe điện của Việt Nam vẫn thua kém Trung Quốc về sự đa dạng và khả năng cung ứng.
“Kiểm soát chất lượng vẫn là thách thức đối với một số nhà sản xuất nhỏ hơn hoặc ít kinh nghiệm tại Việt Nam”, chuyên gia nhận định. “Sự không nhất quán này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và độ bền của một số sản phẩm, khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên thị trường cao cấp so với Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, vấn đề hậu cần và chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn hạn chế, với việc giao hàng có thể không đáng tin cậy vào các giai đoạn cao điểm.
Theo ông Herbers, Việt Nam cũng cần mở rộng lực lượng lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến. “Tôi cho rằng trình độ học vấn của lực lượng lao động Việt Nam khá cao, nhưng rõ ràng đang có một áp lực lớn”, ông nói. “Bạn cần nhiều hơn nữa khi Việt Nam đang tiến nhanh để trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến”.
Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc cũng có lợi thế vượt trội trong các kênh bán hàng trực tuyến. Các công ty lớn của Trung Quốc như Shein và Temu có phạm vi tiếp cận toàn cầu rộng hơn so với Tiki, đối thủ thường được nhắc đến nhất tại Việt Nam.
“Khi mua sắm trực tuyến, tôi có thể thấy nhiều sản phẩm từ Trung Quốc hơn”, Phương Nguyễn, 43 tuổi, một quản lý truyền thông một công ty trong lĩnh vực du lịch đến từ TP HCM cho biết. Cô vừa mua trực tuyến một chiếc túi xách giá 10 USD sản xuất tại Trung Quốc và không có phàn nàn gì. Cô dự đoán: “Với sự phát triển của thương mại điện tử Trung Quốc, giá cả sẽ cạnh tranh hơn”.
Đỗ Kiều (theo South China Morning Post)