"Tiềm năng tăng trưởng của chúng ta là rất lớn, nếu biết cách khai thác và giải quyết những vấn đề nội tại", TS Lương Văn Khôi, Phó Viện tưởng Viện Nghiên cứ quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Công điện nêu rõ, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.
“Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, công điện nêu.
Đầu tư hạ tầng được nhận định là một trong những động lực quan trọng Việt Nam có thể tận dụng để vươn lên. Trao đổi với phóng viên Vnbusiness, ông Lương Văn Khôi cho biết, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, trong năm 2025 và các năm tiếp theo sẽ có rất nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Với lực đầu tư công tăng mạnh, tiềm năng và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ rất cao.
“Chúng ta đang ở giai đoạn chuẩn bị chiến lược bước vào kế hoạch 5 năm mới (giai đoạn 2026 - 2030) thì đầu tư công sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có năm đạt đến hai con số. Và với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ hiện nay thì chắc chắn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn, tỷ lệ giải ngân cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng”, ông Khôi cho biết.
Vị chuyên gia phân tích, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, giả định nếu không xuất hiện đại dịch và căng thẳng địa chính trị trên thế giới hạ nhiệt thì các mục tiêu của Việt Nam hoàn toàn đạt được: “Dự báo trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến 2030, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất cao, nhờ quyết tâm lớn trong việc cải thiện nhiều yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính…”
Theo ông Khôi, bên cạnh việc tập trung khai thác các lợi thế tăng trưởng cũ như xuất khẩu và đầu tư, Việt Nam cũng chú trọng khai thác động lực tăng trưởng mới như AI, chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,...
“AI là một nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng và phải xác định là một lực lượng sản xuất”, vị chuyên gia nhấn mạnh chuyển đổi số mang đến nguồn lực rất mạnh.
Phó Viện trưởng CIEM nhận định tiềm năng tăng trưởng rất lớn nếu biết cách khai thác, ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải quyết các yếu tố nội tại như nguồn nhân lực, quy trình công nghệ… Ông Khôi lấy ví dụ, riêng với ngành dệt may, nếu có thể cải thiện những yếu tố như chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh và ứng phó tốt hơn với các yếu tố bên ngoài như diễn biến kinh tế thế giới, thiên tai dịch bệnh thì… riêng ngành này có thể đóng góp tăng thêm 1,26% GDP. Tương tự như vậy, với các ngành kinh tế cấp một khác, ước tính tổng cộng khoảng 30% GDP có thể tăng thêm nếu được cải thiện.
“Tiềm năng tăng trưởng rất tốt nếu chúng ta có thể giải quyết được tất cả những vấn đề ‘điểm nghẽn của điểm nghẽn’, hỗ trợ yếu tố nội tại của doanh nghiệp”.
Quan điểm của TS Lương Văn Khôi cũng phù hợp với góc nhìn từ Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital - ông Michael Kokalari, khi dự báo cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn.
Cụ thể, tại bài phân tích “Hướng đến năm 2025”, vị chuyên gia nhận định Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ có tác động tới tâm lý tiêu dùng.
VinaCapital dự báo cơ cấu tăng trưởng kinh tế 2025 sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại. |
“Một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP, sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đáng kể tuy nhiên sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay mới của TP. HCM và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào "hiệu ứng tài sản" liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu”, ông Michael Kokalari đánh giá.
Vị chuyên gia lý giải, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam, do đó nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất/lượng khách du lịch trong năm tới. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% thêm sáu tháng nữa, hay các kế hoạch tinh gọn bộ máy của Chính phủ cũng sẽ trở thành các động lực thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Có thể thấy năm 2025 sẽ là bước ngoặt khi kinh tế Việt Nam được nâng đỡ bởi những yếu tố nội tại mạnh mẽ như đầu tư công, chuyển đổi số, và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Với sự đồng lòng và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo đến cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, bền vững.
Đỗ Kiều