Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát như hiện nay thì trong tháng 11/2020 này, các đối tác Singapore và Hong Kong sẽ đến Việt Nam để ký kết hợp đồng công ty TNHH Koyu & Unitek tại khu công nghiệp Long Bình - Đồng Nai.
Triển vọng xuất sang Singapore, Hồng Kông
Mới đây, Koyu & Unitek đã đàm phán thành công với các đối tác để mỗi năm XK hàng trăm tấn thịt gà sang 2 thị trường này. Các sản phẩm XK được làm từ cánh, đùi và ức gà, giá bán XK được cho là cao hơn khoảng 30% so với tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Xuất khẩu thịt gà của Việt Nam đang có cơ hội vào thị trường Singapore và Hồng Kông, |
Doanh nghiệp (DN) nêu trên hồi năm 2019 đã đạt kim ngạch XK thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản trên 11 triệu USD. Và năm nay công ty dự tính XK 3.625 tấn thịt gà chế biến chế biến, với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD sang Nhật. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua nên chưa rõ số kim ngạch từ XK thịt gà mà DN này đã đạt được từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, với hai thị trường mới là Singapore và Hồng Kông, như chia sẻ của ông Jame Hiếu, Tổng giám đốc Koyu & Unitek thì công ty đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và thủ tục pháp lý.
Cần nhắc lại, DN này đang là mắt xích quan trọng trong mô hình liên kết XK gà thịt vốn dĩ ít ỏi ở Việt Nam hiện nay, bao gồm Hùng Nhơn - De Hues - Bel Gà và Kyou & Unitek.
Trong đó, Bel Gà cung cấp thức ăn, tập đoàn Hùng Nhơn là đại diện phía các trang trại chăn nuôi gà, còn Kyou & Unitek là thu mua, giết mổ và XK.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (ở Bình Phước), muốn ngành chăn nuôi gà phát triển được thì phải tiến tới XK, trong đó cần xây dựng các chuỗi liên kết và giá thành chăn nuôi ít nhất phải bằng giá trong khu vực và an toàn dịch bệnh. Đây là vấn đề chiến lược cho ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam.
Ông Hùng cũng cho rằng chính bản thân DN, các hợp tác xã và hộ chăn nuôi gà phải thay đổi tư duy, tích cực đổi mới, nắm bắt xu thế và đầu tư vào công nghệ chăn nuôi hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với mô hình hợp tác mới như Hiệp hội sản xuất gà an toàn.
Ông chủ của Tập đoàn Hùng Nhơn nhấn mạnh bản thân DN cũng phải phải kết hợp với các tập đoàn chăn nuôi lớn trên thế giới để học tập kinh nghiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi và không ngừng áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào chăn nuôi gà.
Ở tỉnh Bình Phước, tập đoàn này hiện có 130 ha trang trại chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong đó có 20 trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà, áp dụng theo công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức) và 8 trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng.
Cần đẩy mạnh liên kết chuỗi
Và dự kiến trong giai đoạn 2019 - 2022, tại Bình Phước, phía Hùng Nhơn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư xây mới hệ thống chuồng trại, nâng tổng sản lượng đàn gà đẻ lên 700 ngàn con, sản lượng trứng tăng lên gấp đôi hiện tại (260 triệu quả/năm), gà thịt tăng sản lượng lên gấp đôi (6 triệu con).
Còn tại Đồng Nai, nơi đặt “đại bản doanh” Kyou & Unitek và là “thủ phủ” chăn nuôi gà của cả nước, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho rằng, chăn nuôi gà công nghiệp lúc này đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn, đa số các trại nuôi đều được đầu tư theo chuẩn công nghiệp hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các DN lớn.
Theo giới chuyên gia, để XK thịt gà có thể bật tăng trong thời gian tới thì trong chiến lược và chiều hướng phát triển của ngành chăn nuôi gà trong nước cần đẩy mạnh liên kết chuỗi liên kết sản xuất, chế biến theo mô hình “Phát triển ngang”, tức là thiết kế quy mô DN lớn, chịu trách nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị với các hộ chăn nuôi là những đối tác vệ tinh.
Hoặc là mô hình “Phát triển dọc”, tức là mô hình chăn nuôi và phân phối kín nhằm giảm mức độ cạnh tranh về giá. Tập trung phát triển mô hình kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhằm làm giảm mức độ lệ thuộc vào các sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Khi bàn về chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến thịt gà hướng đến XK, theo ông Nguyễn Đặng Liên, Tổng giám đốc CTCP thực phẩm Việt Avis, chính quyền địa phương cần thiết lập vùng an toàn dịch bệnh ở những cơ sở sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.
Chẳng hạn như chuỗi chăn nuôi của CTCP nông sản Phú Gia ở tỉnh Thanh Hoá thì các huyện trọng điểm như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Ngọc Lặc...cần thiết lập vùng an toàn dịch bệnh để sản phẩm của chuỗi liên kết này thực hiện được an toàn dịch bệnh tiêu dùng, hướng đến XK vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hồi tháng 10 năm ngoái, nhà máy Giết mổ - Chế biến gia cầm XK Viet Avis (hợp tác đầu tư giữa CTCP Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Master Good của Hunggary) đã đi vào hoạt động với công suất giết mổ và chế biến 2.500 con gia cầm/giờ, tương đương 40 tấn/ngày,
Sản phẩm của nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu, dự kiến cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, các nước châu Âu... Các sản phẩm từ thịt gà của nhà máy này đã thâm nhập tốt vào thị trường trong nước. Điều quan trọng còn lại là phía nhà máy đang hoàn thiện các thủ tục để có thể XK trong thời gian tới.
Thế Vinh