Hồi năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu (XK) thịt gà chế biến đạt trên 11 triệu USD. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, giá trị XK thịt gà chế biến như thế nào vẫn đang là dấu hỏi lớn khi không có nhiều thông tin.
Tái cấu trúc ngành còn gặp khó
Chỉ biết là hồi tháng 3/2020, phía Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam. Điều này được cho là sẽ mở ra cánh cửa để chinh phục thị trường các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU).
Và trước mắt thì có CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh Nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là doanh nghiệp (DN) đầu tiên được cơ quan này cấp phép cho XK các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga.
Dây chuyền chế biến gà xuất khẩu của một DN ở Đồng Nai. |
Thực tế cho thấy, để thâm nhập thị trường Nga hay EAEU, các DN trong ngành XK gà thịt còn nhiều phải làm, từ việc xây dựng chuỗi liên kết cho đến tạo dựng thương hiệu tốt, đảm bảo chất lượng cao cho đến giá thành hợp lý.
Trong khi XK thịt gà có chút le lói, các thông tin về XK thịt lợn hầu như rất hiếm hoi và thay vào đó là những thông tin về... tình hình nhập khẩu thịt lợn vào thị trường Việt Nam.
Nhắc đến ngành chăn nuôi ở Việt Nam, trong Sách trắng DN Việt Nam 2020, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có lưu ý về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăn nuôi lợn hiện nay, đang gặp khá nhiều thách thức.
“Vì lý do này, chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc ngành là hết sức quan trọng. Nhiều biến động trên thị trường làm tăng khó khăn trong việc tái cơ cấu ngành, vì nông dân và các nhà sản xuất không thể chịu bất kỳ rủi ro nào do thiếu tầm nhìn và hoạt động điều tiết thị trường”, EuroCham khuyến nghị.
Phía EuroCham còn chỉ rõ cửa hàng thuốc thú y được xác định là nguồn cung cấp và tư vấn thuốc kháng sinh chủ yếu cho động vật. Không những thế, thuốc kháng sinh được mua một cách dễ dàng, hợp pháp mà không cần kê toa bởi bất kỳ ai trong số khoảng 12.000 cửa hàng thuốc thú y trên cả nước.
Việc này làm gia tăng mối quan ngại về mức độ dễ tiếp cận và dễ chi trả vì mức giá quá rẻ góp phần vào việc sử dụng quá liều hoặc lạm dụng các sản phẩm kháng sinh trong chăn nuôi.
Chính vì vậy, giới chuyên gia của EuroCham khuyến nghị ngành chăn nuôi Việt Nam cần tăng cường quy định và kiểm tra ghi nhãn sản phẩm kháng sinh, loại bỏ chỉ định sử dụng kháng sinh với mục đích phòng ngừa. Trong mọi trường hợp, các sản phẩm nên chỉ ra rõ thời gian đào thải thuốc đối với thịt và trứng.
Có thể thấy, những mặt tồn tại nêu trên trong hệ thống chăn nuôi của Việt Nam đã phần nào khiến cho việc XK trở nên khiêm tốn khi không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm từ quốc gia nhập khẩu.
Liên kết yếu, cạnh tranh chưa cao
Trong dự thảo mới nhất về Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong nước giai đoạn 2020-2030 đã đặt ra khá nhiều kỳ vọng cho XK. Theo đó, sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0 - 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6,0 - 6,5 triệu tấn. Trong đó, XK từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm.
Để đạt được tỷ lệ XK như trên đòi hỏi cần khắc phục những tồn tại trong ngành chăn nuôi. Ngoài những gì phía EuroCham đã nêu, có thể thấy điểm yếu hiện nay của ngành này là chưa kiểm soát tốt về an toàn thực phẩm, phần lớn sản phẩm chăn nuôi chưa được giám sát và truy xuất nguồn gốc.
Mặt khác, theo TS. Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT), chất lượng sản phẩm chăn nuôi chưa đồng đều, sức cạnh tranh theo nhóm hàng hoá chưa cao. Mặt khác, dịch bệnh vẫn còn đe doạ do chưa kiểm soát tốt về an toàn sinh học. Và điểm đáng chú ý là các liên kết giữa khâu sản xuất - giết mổ, chế biến - phân phối còn ít và lỏng lẻo.
Chính điều này đã làm nghẽn đường XK, dù cho có những dự báo về triển vọng XK của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới là các sản phẩm thịt, trứng có thương hiệu của Việt Nam được XK sang Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông. Hoặc như lợn sữa cũng kỳ vọng sẽ tạo được vùng nguyên liệu, xây dựng được thương hiệu để xuất sang Hong Kong, Macau, Đài Loan…
Trong việc mở đầu ra cho XK sản phẩm chăn nuôi, giới chuyên gia nhấn mạnh vào việc phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm chăn nuôi (điển hình như chăn nuôi lợn) từ sản xuất đến thị trường XK.
Theo đó, cần đặt nền móng cho ngành chăn nuôi hàng hoá với sự tham gia của nhiều DN lớn. Chẳng hạn như hồi đầu năm nay, CTCP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (thuộc Thaco Group) tham gia liên doanh cùng CTCP Hùng Vương (HVG) trong mảng sản xuất lợn giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con, có tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định.
Phía Thadi cho biết, liên doanh sẽ đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn thực hành của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho XK.
Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy sự tham gia của các DN lớn vào ngành chăn nuôi lại chưa nhiều nếu muốn hướng đến việc gia tăng XK sản phẩm thịt lợn nhiều hơn trong thời gian tới.
Thế Vinh