Theo nhận định mới đưa ra từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, chỉ số CPI của Việt Nam sẽ tiếp tục trên 4,5% trong tháng 2/2023, khi so với mức nền thấp của năm 2022, trong khi năm 2023, những hỗ trợ để giảm giá không còn lớn như năm 2022.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong khi đó, chỉ số CPI của tháng 1/2023 đã tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BVSC, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2020, đồng thời cao hơn mục tiêu lạm phát 4,5% đã được đề ra cho năm 2023.
Mối lo của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán là vật giá đều tăng, trong khi đồng lương của người lao động lại không tăng so với số tiền phải chi trả hằng tháng. |
Các chuyên gia cho rằng, gần như tất cả các nhóm hàng hóa đã tăng trở lại trong tháng vừa qua. Xét về mức đóng góp, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng và thực phẩm là 2 nhóm tạo áp lực tăng lớn nhất lên chỉ số CPI, đều ở mức 1,3 điểm phần trăm vào mức 4,89%.
Với nhóm vật liệu xây dựng, theo nhận định giá cả một số vật liệu tiếp tục tăng giá trong tháng 2 này do nhu cầu triển khai công trình tăng. Riêng giá thép, trong tháng 1 vừa qua, các công ty thép đã gửi thông báo tăng giá sắt thép 3 lần, kéo theo những mối lo nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng sẽ tăng theo.
Điều này khiến cho giới nhà thầu xây dựng dân dụng lo ngại khi mà đơn giá hợp đồng cần thêm thời gian để điều chỉnh theo chi phí xây dựng. Nhất là điều khoản bù trừ trượt giá trong hợp đồng xây dựng dân dụng thường được quy định trong một khung giá và thường sẽ có sự chia sẻ rủi ro từ nhà thầu trong trường hợp mặt bằng giá vật liệu tăng vượt quá khung quy định.
Theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, việc kiểm soát chi phí và đảm bảo nguồn cung vật liệu sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt đối với các nhà thầu trong chu kỳ đầu tư mới. Các nhà thầu không đủ năng lực có thể sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng trong tiến độ và biên lợi nhuận.
Ngoài giá vật liệu xây dựng, theo giới chuyên gia, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá trong thời gian tới. Nhất là rủi ro về tỷ giá có thể sẽ tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước. Đó là chưa kể nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 cũng có thể làm cho giá cả hàng hóa tăng trở lại. Qua ghi nhận của VnBusiness với người tiêu dùng ở Tp.HCM thấy rằng, chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% như năm vừa qua đã làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) mở rộng hoạt động sản xuất và giảm áp lực lạm phát.
Cần hành động hiệu quả kiểm soát tăng giá
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng chính sách giảm 2% thuế VAT cần sớm được tái triển khai trong các tháng tới của năm 2023 để vừa giúp giữ được sức mua, vừa giúp các DN giải phóng được khối lượng lớn hàng tồn kho.
Ngoài chuyện tiếp tục giảm thuế, trên thực tế, hàng tồn kho của nhiều DN đang là áp lực lớn trong khi chưa kích thích được sức mua sau Tết. Đơn cử như trong ngành điện máy, diễn biến thị trường trong những ngày đầu tháng 2/2023 ở Tp.HCM cho thấy có những mặt hàng dù được các nhà bán lẻ chạy hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh, xả hàng bằng mọi giá nhưng vẫn không nâng được sức mua khi mà người tiêu dùng đang có tâm lý thắt chặt hầu bao.
Giữa bối cảnh tồn kho, mối lo của các nhà bán lẻ điện máy trong nước càng tăng thêm trước khả năng nguồn cung hàng điện máy giá rẻ từ Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Điều này có thể sẽ làm cho việc giải phóng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ càng trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, giá cả hàng hóa cũng đang đối mặt thách thức lớn từ việc điều chỉnh chính sách giá điện. Đây là mối lo chung cho cả DN và người tiêu dùng khi mà việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ làm đội chi phí đầu vào. Và điều khó tránh khỏi là phía DN sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu.
Trong đầu tháng 2 này, theo quyết định Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký thì từ ngày 3/2/2023, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.
Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng bày tỏ rằng: “vật giá hiện nay đa phần mọi thứ đều tăng lên một chút, gom mỗi thứ một chút lại thì sẽ thành cả mớ tiền mỗi tháng, trong khi đồng lương của người lao động lại không tăng lên đáng đáng kể so với số tiền phải chi trả hằng tháng”.
Theo ý kiến cá nhân của một người tiêu dùng là anh Nguyễn Văn Dương, bên cạnh việc tăng giá điện hay điều chỉnh chính sách xăng dầu thì cơ quan quản lý cần có hành động hiệu quả trong việc kiểm soát tăng giá hàng tiêu dùng trên thị trường. Bởi thực tế cho thấy, giá xăng dầu lên thì hàng hóa dịch vụ lên, nhưng xăng dầu xuống thì hàng hóa dịch vụ vẫn tăng.
Cho nên, để tránh cho giá cả hàng hóa “nhảy múa” làm khó cho cả DN và người tiêu dùng thì rất cần khâu chính sách, quản lý, điều hành giá cho năm 2023 phải thực hiện một cách chủ động, linh hoạt hơn. Nhất là cần tạo dư địa an toàn cho kiểm soát giá cả và lạm phát. Còn như kỳ vọng của các chuyên gia phân tích BVSC thì chỉ số CPI sẽ hạ nhiệt trong các tháng sau đó, dự báo cả năm 2023 là ở mức 4 - 4,5%.
Thế Vinh