Theo đánh giá từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KBSV, rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm nay sẽ đến từ việc giá xăng dầu tăng trở lại theo diễn biến giá xăng dầu thế giới do nhu cầu tiêu thụ tăng cao khi Trung Quốc mở cửa. Bên cạnh đó là việc Chính phủ thực hiện lộ trình tăng giá điện sau 3 năm giá đi ngang.
Thấp thỏm giá xăng, giá điện
Về giá xăng dầu, các chuyên gia phân tích của KBSV vẫn kỳ vọng việc Chính phủ sẽ luôn ưu tiên bình ổn giá xăng dầu trong nước thông qua việc có thể xem xét giảm các loại thuế trên giá bán đầu ra nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Mong mỏi chính đáng của người tiêu dùng là việc điều chỉnh các chính sách cần tránh để giá hàng hóa tăng theo. |
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu thì những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của DN bán lẻ hiện nay. Thay vào đó, họ cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu đẩy thị trường bất ổn, dẫn đến DN bán lẻ đang bị bỏ rơi và chèn ép.
Mới đây, nhân góp ý về việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95, bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hoà và công bằng lợi ích, cộng đồng các DN bán lẻ xăng dầu (chiếm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước – tương đương 9.000 cửa hàng) đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ với mong muốn nên có quy định chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các DN.
Ngoài vấn đề về chính sách xăng dầu, nhiều DN đang quan tâm điều chỉnh chính sách tăng giá điện trong thời gian tới sẽ như thế nào. Theo Bộ phận phân tích của KBSV, Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng lộ trình tăng hợp lý trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát (theo Tổng cục Thống kê, ước tính giá điện tăng 10% thì sẽ tác động vào Chỉ số giá tiêu dùng là 0,33 điểm phần trăm).
Phát biểu trước giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ đến tác động lạm phát.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan và Tổng cục Thống kê, đánh giá kỹ việc điều chỉnh giá điện. Từ đó, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023, đảm bảo cân nhắc đầy đủ tác động tới kinh tế vĩ mô, hoạt động của DN, đời sống người dân.
Còn theo lo ngại của giới chuyên gia, nếu giá điện tăng sẽ khiến DN thêm gánh nặng. Nhất là khi tình hình sản xuất kinh doanh quý I và quý II năm nay sẽ có nhiều khó khăn trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng cao. Nhiều DN sản xuất đối mặt với chi phí tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng nhưng đơn hàng của DN bị cắt giảm.
Cần tránh tạo thêm khó khăn
Qua thăm dò của VnBusiness với một số chủ DN, điều mà nhiều DN lo lắng là việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ làm đội chi phí đầu vào. Và điều khó tránh khỏi là phía DN sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu. Điều đáng nói, các DN sẽ đối diện nguy cơ mất thị phần, giảm doanh số vì một loạt sản phẩm tăng giá sẽ không kích cầu tiêu dùng giữa lúc người mua có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Nhất là với DN có quy mô sản xuất lớn, chi phí điện mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng, việc tăng giá điện vào thời điểm thị trường đầu ra đầy chật vật như hiện tại không khác nào như đòn chí mạng đánh thẳng vào nỗ lực vượt khó của họ.
Ngoài hai vấn đề về điều chỉnh chính sách xăng dầu và giá điện, nhiều ý kiến lo ngại các chính sách giảm thuế hết hiệu lực sẽ khiến giá hàng hóa tăng theo.
Vừa qua, nhiều hiệp hội DN đã cùng kiến nghị duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% như một cách thêm động lực giúp DN tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.
Hơn nữa, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ..., góp phần kiểm soát lạm phát. Việc này cũng giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận, như vậy DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế VAT.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đã trấn an rằng, năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn nên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như năm 2022 nhưng có điều chỉnh.
Ngoài ra, nhiều DN cho biết có hai vấn đề đang là gánh nặng chi phí với DN: đó là quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao.
Hai vấn đề này đều được các hiệp hội DN nhiều lần có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét.
Nói tóm lại, giữa bối cảnh khó khăn chung của các DN như hiện nay, điều mong mỏi chính đáng của họ là việc điều chỉnh các chính sách cần tránh tạo thêm các mối lo tăng rủi ro, tăng áp lực chi phí. Thay vào đó, điều mà các DN cần là môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với DN, để "sức khỏe" DN được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại.
Thế Vinh