Trong báo cáo riêng quý IV/2022 vừa công bố của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) tôm là CTCP tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho thấy, DN này đã thu về 1.667 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ vậy, hàng tồn kho của DN đạt 2.162 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm 2022.
Xuất khẩu tôm phải “biết người biết ta”
Việc sụt giảm doanh thu của MPC trong Quý IV/2022 được cho là vì sản lượng tôm xuất đi các thị trường lớn như EU, Mỹ đã sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước đó.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN trong ngành tôm, chẳng hạn tháng 12/2022, XK ngành tôm giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. XK tôm sang các thị trường đồng loạt giảm, trong đó sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất, xấp xỉ 50%.
Trong tháng 1/2022 kim ngạch XK tôm sụt giảm đến 46%, đòi hỏi các DN ngành tôm phải "biết người, biết ta" mà uyển chuyển trong sách lược thị trường. |
Còn trong tháng đầu tiên của năm 2023, XK tôm cũng ghi nhận những dấu hiệu ảm đạm. Số liệu mới đưa ra từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho thấy, riêng tháng 1/2023 kim ngạch XK tôm tiếp tục đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022, cụ thể là giảm đến 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng này được lý giải do các thị trường tiêu thụ lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Không chỉ vậy, các cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đã hồi phục sản lượng, tạo ra mức cung lớn với giá thành cạnh tranh hơn tôm của Việt Nam.
Như lưu ý của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), Ecuador đang nỗ lực nâng cao đẳng cấp chế biến, nếu chúng ta chậm chân thì thách thức cho con tôm sẽ to lớn hơn những năm tới. Các DN tôm của Việt Nam phải biết người biết ta mà uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm…phát huy thế mạnh là khả năng chế biến sâu của mình.
Với việc XK tôm vào thị trường Mỹ đang chịu tác động bởi lạm phát, giới phân tích dự báo nhu cầu ở thị trường này chỉ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023, khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.
Và sau khi trải qua tháng đầu của 2023 đầy chật vật thì sách lược trong các tháng kế tiếp đối với các DN ngành tôm là tập trung vào thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm có hàm lượng giá trị gia tăng cao mà Ecuador và Ấn Độ chưa thể thâm nhập, như Nhật Bản, Tây Âu...
Hoặc như thị trường Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và có hơn 1.000 DN chế biến tôm. Mỗi năm nước này nhập cả triệu tấn tôm nguyên liệu về chế biến chủ yếu từ Ecuador, Ấn Độ và Argentina để chế biến lại phục vụ trong nước. Để cải thiện thị phần ở thị trường này, đòi hỏi các DN trong ngành tôm cần tính toán kỹ hơn vì cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ rất lớn.
Cá tra tìm lợi thế thị trường
Ngoài vấn đề về XK tôm, trong tháng 1/2023, theo Vasep, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Ước tính tháng đầu năm nay, kim ngạch XK thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, cá ngừ giảm 32%. XK sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%...
Từ những con số như vậy, bộ phận phân tích của Vasep nhận định “bức tranh” XK thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm, nhất là khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay”.
Tuy nhiên, theo Vasep, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Riêng về XK cá tra, không chỉ sụt giảm đến 50% trong tháng 1/2023, những dự báo trước đó cho thấy XK cá tra sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm mạnh vì đơn hàng giảm và kết quả năm 2023 khó duy trì được như năm 2022, nhất là Mỹ, EU. Tuy nhiên, DN cá tra vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh thị trường XK vì vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số thị trường hoặc khối thị trường.
Với một DN hàng đầu về XK cá tra như CTCP Vĩnh Hoàn, giả định mới đây từ Công ty chứng khoán VDSC cho rằng giá bán và sản lượng XK sẽ giảm lần lượt 11,7% và 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu liên quan đến cá tra năm 2023 sẽ giảm 16% so với cùng kỳ về 11.487 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng, lợi nhuận năm 2023 của Vĩnh Hoàn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm, nhưng vẫn cao hơn mức trước năm 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra.
Dù chưa thể bừng sáng ngay, nhưng các DN trong mảng XK cá tra vẫn kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực trong các tháng tới từ thị trường Trung Quốc sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022 và 2023 và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng.
Ngoài ra, khối thị trường Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn có sức hút với các DN cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.
Với những xu hướng thị trường này, kỳ vọng các DN cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt tìm được “cơ trong nguy”, nắm bắt cơ hội và lợi thế thị trường để thoát khỏi “bức tranh xám” trong những tháng đầu của năm 2023 nhằm giữ tăng trưởng XK cho cả năm nay.
Thế Vinh