Dự hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức cuối tuần qua, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc CTCP tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, đại diện nhà phân phối nước mắm Phú Quốc Thanh Quốc tại Hà Nội, nhiều lần nhắc tới mong muốn nhận được chia sẻ, hỗ trợ từ phía các nhà bán lẻ.
Sản xuất cần bán lẻ chia sẻ
Ông Thành giãi bày: “Là nhà kinh doanh, ai cũng muốn có lợi nhuận cao, nhưng các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cần có sự chia sẻ với nhà sản xuất, nếu không chúng tôi sẽ khó tồn tại. Việc các siêu thị đặt ra mức chiết khấu quá cao đang khiến cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị đẩy giá thành lên cao, từ đó khó cạnh tranh với hàng ngoại và có nguy cơ bại trận trên sân nhà”.
Hiện nay, phần lớn DN sản xuất của Việt Nam đều là DN nhỏ và vừa, vì vậy sự hiện diện ở siêu thị sẽ giúp sản phẩm của DN có cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng. Hàng hóa bán ở đại lý chắc chắn sẽ không có điều kiện trưng bày, kết quả sản phẩm vẫn cứ lẹt đẹt, không thể quảng bá, thay đổi phương thức sản xuất bài bản.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao nhà sản xuất không tự làm truyền thông, ông Thành cho rằng do tiềm lực có hạn, việc quảng cáo đẩy mạnh hoạt động truyền thông là điều rất xa vời, vì vậy các DN sản xuất mong chờ nhà bán lẻ hỗ trợ, tránh tình trạng sau khi vượt qua bài kiểm tra, vào được siêu thị thì phải đối mặt muôn vàn khó khăn.
“Sự chia sẻ giữa phân phối với sản xuất sẽ giúp DN nhỏ và vừa trở thành DN lớn, chứ giờ DN cứ dặt dẹo mãi mà không thể lớn”, ông Thành nói.
Bà Nguyễn Thị Đông, Tổng Giám đốc CTCP Hoa Lan, cho hay sản phẩm mỹ phẩm của DN đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Một số người tiêu dùng ở Hà Lan, Mỹ, Pháp cũng rất khen sản phẩm của công ty, thậm chí có người còn bay sang Việt Nam mua sản phẩm. Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn được xem là tiềm năng chưa khai phá.
Bà Đông chia sẻ: “Sau khi thành công ở thị trường nước ngoài, nhiều người hỏi tôi rằng tại sao sản phẩm tốt như vậy mà không đưa về Việt Nam? Cũng từ đó, Hoa Lan mới bắt đầu chiến dịch chinh phục người Việt, đến nay sau một thời gian dài, sản phẩm của DN mới vào được hệ thống Vinmart+, còn các siêu thị khác vẫn đang trong quá trình đàm phán”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Pura Food, cho biết sản phẩm gạo hữu cơ của DN đến nay mới chỉ được phân phối tại một số cửa hàng thực phẩm sạch. Mặc dù sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng nhưng rất khó khăn để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu.
Hiện, DN vẫn đang trong quá trình đàm phán với các siêu thị để đưa sản phẩm vào phân phối. Ông Tuấn Anh cho hay, từ lúc làm việc đến lúc vào được siêu thị, chắc chắn phải chờ thêm một khoảng thời gian dài.
Hội nghị, diễn đàn kết nối cung – cầu sẽ không bao giờ thừa nhưng cần thực chất |
Nỗ lực không chỉ từ hai phía
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch AVR, hiện nay, cả nhà sản xuất và nhà phân phối đều có những điểm yếu nhất định. Cụ thể, nhà phân phối không nắm vững được thực tế ở các vùng miền, các đặc sản địa phương. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là các nhà bán lẻ, phân phối phải đi thực tế tìm hiểu hàng hóa, từ đó cắt giảm chi phí trung gian, đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả cạnh tranh nhất.
Về phía nhà sản xuất, hiện vẫn gặp vướng mắc ở khâu tìm kiếm thị trường. Nhà sản xuất thường than thở rằng vào hệ thống phân phối khó khăn, sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ ở đâu, gần như chỉ biết sản xuất mà chưa có khâu kinh doanh.
Chính vì vậy, việc tổ chức buổi gặp mặt, kết nối cung và cầu sẽ không bao giờ thừa. Tuy nhiên, để tránh mang tính hình thức, các buổi gặp kết nối này cần đi vào thực tế, lắng nghe ý kiến của cả nhà sản xuất, nhà phân phối, từ đó cơ quan nhà nước là cầu nối để kết nối cung – cầu. Nhà sản xuất biết nhu cầu thị trường, nhà bán lẻ cũng đưa ra yêu cầu của mình.
Với 10 năm kinh nghiệm làm trang trại nông nghiệp, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc CTCP Xúc tiến Thương mại Việt Nam, cho biết rất hiểu nỗi vất vả của bà con nông dân. Song, về sản xuất hiện nay, đâu đó sản xuất ra sản phẩm tốt nhưng vẫn diễn ra trên quy mô nhỏ, vì vậy rất khó liên kết với DN. Nguyên nhân là do người nông dân thiếu vốn, thị trường và công nghệ.
“Nhiều đơn vị sản xuất đem sản phẩm đến cho chúng tôi nhưng lại không đáp ứng một tiêu chuẩn nào, bao bì, nhãn mác đều không có”, ông Thạch nói.
Còn phía DN phân phối, hiện thông tin về vùng nguyên liệu rất thiếu. Một số DN nước ngoài rất muốn tìm sản phẩm tốt của Việt Nam nhưng lại không biết có vùng nguyên liệu nào đạt yêu cầu, chất lượng cao.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cần hỗ trợ đúng nghĩa “từ sản xuất đến tiêu dùng”. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, kể cả những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về các mặt giá cả, an toàn thực phẩm, phù hợp với sức mua của xã hội, có khả năng cung ứng và cạnh tranh với một số sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, số sản phẩm sạch thâm nhập kênh thương mại hiện đại chỉ chiếm một vài phần trăm, còn lại ngoài phần xuất khẩu thì hầu hết đều được bán rải rác ở chợ, hàng rong, cửa hàng lẻ…
Ông Phú cho rằng lẽ ra những nông sản đạt tiêu chuẩn đó nếu được tổ chức tốt phải bán được giá cao hơn các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ở thị trường, hậu quả là đem lại thua thiệt cho nông dân và các DN sản xuất làm ăn nghiêm túc.
Nhiều người tiêu dùng phàn nàn việc sản xuất rất nhiều nông sản sạch, hữu cơ rất ngon và bổ, song họ tìm mua những sản phẩm đó rất khó khăn. Có chăng chỉ mua được ở một số hội chợ nông sản sạch một năm được tổ chức vài lần, hoặc ở một số siêu thị với số lượng rất khiêm tốn và không thường xuyên.
Chính vì vậy, tổ chức kết nối và tiêu thụ là một việc cấp bách, một mặt đưa nông sản sạch nhanh chóng tiếp cận thị trường, mặt khác chủ động cạnh tranh với các nông sản ngoại nhập, giảm bớt những thiệt thòi của người sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối ở Việt Nam.
Điều này càng quan trọng trong bối cảnh việc kiến nghị “luật hóa việc phân phối lợi nhuận” trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối nhằm bảo vệ người sản xuất chưa được chấp thuận.
Lê Thúy
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Cần tăng cường tính công khai minh bạch trong giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm trên thị trường, đưa người sản xuất hàng hóa đang bị yếu thế tiến tới chủ động trong việc đàm phán với các nhà bán buôn, bán lẻ trên thị trường. Từ vấn đề này, nên chăng thành lập một hiệp hội cung ứng hàng hóa để có thể làm đối trọng trực tiếp bình đẳng với các nhà bán lẻ trên thị trường? Ông Hoàng Xuân Hải - Giám đốc công ty VAG (thương hiệu khăn POEMY) Việc tham dự hội nghị kết nối cung – cầu là rất cần thiết, nhưng chúng tôi cần được cung cấp danh sách đầu mối các nhà phân phối, bán lẻ, để sau khi về có thể làm việc trực tiếp với họ. Tại hội nghị, dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi không thể kết nối, làm việc với tất cả các nhà bán lẻ, phân phối. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Chưa bao giờ hoạt động kết nối cung – cầu lại được phát triển mạnh như thời gian này, từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợn hiện đại bậc nhất trải dài khắp cả nước. Tuy nhiên, việc tăng cường hoạt động liên kết để tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt. |