Cuộc sống hiện đại khiến người tiêu dùng (NTD) chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ sức khỏe, nhất là từ những thực phẩm ăn uống hàng ngày. Điều này đang tạo ra cơ hội cho các mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Niềm tin nông sản sạch
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu của NTD Thủ đô, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phía Bắc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Đến nay, các tỉnh, thành đã xây dựng, phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.
Trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả, thực phẩm cho thị trường Hà Nội, như: tỉnh Điện Biên cung cấp khoảng 70 tấn rau; tỉnh Vĩnh Phúc 2.500 tấn rau, củ, 3 triệu quả trứng gà và 500 tấn thịt lợn…
Sản phẩm của các tỉnh, thành đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nhất là sản phẩm rau, thịt.
Tuy nhiên, việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành với Hà Nội hiện gặp không ít khó khăn do một số địa phương buông lỏng quản lý quy hoạch vùng, sản xuất nông nghiệp vẫn nặng tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa bảo đảm an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP…
Việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số nông sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Số lượng nông sản cung cấp cho thị trường Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế.
Mặt khác, chất lượng nông sản không đồng đều, tỷ lệ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc thấp, mới đạt từ 40 – 50%, thậm chí một số sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 302 mẫu nông, lâm, thủy sản, trong đó 255 mẫu đã có kết quả phân tích, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo AVR, có khoảng 48% NTD thực phẩm đánh giá các sản phẩm tốt cho sức khỏe hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ; 74% cẩn trọng khi tìm hiểu các nhãn hàng dinh dưỡng.
Đặc biệt, có 40% NTD sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm sạch; 79% chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, các nhóm sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ hiện đang có mặt trên thị trường tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống nhập khẩu; thực phẩm tươi sống trong nước; thực phẩm chế biến trong nước; các dịch vụ cung ứng kèm theo…, nhưng các nhóm này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lượng tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng ngày của NTD.
![]() |
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nông sản sạch |
Đợi chờ chuỗi bán lẻ
Ghi nhận thực tế trên thị trường hiện nay, các mô hình sản xuất – thương mại trong phân phối, kinh doanh nông sản sạch, nông sản hữu cơ chủ yếu là người sản xuất liên kết với thương lái, DN bao tiêu, hoặc người sản xuất chủ động bán hàng trực tiếp đến NTD đang chiếm tới 85%. Còn kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… chỉ chiếm 15%.
Trong khi đó, kênh phân phối, bán lẻ hiện đại đã chiếm gần 30% thị trường tiêu thụ, hầu hết các siêu thị đã có quầy hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Đáng chú ý, tình hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ được kinh doanh online hay bán buôn tự phát ngày càng phát triển mạnh, tiếp cận NTD với nhiều hình thức nhưng khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vấn đề nông sản sạch, nông sản hữu cơ được kinh doanh, bán buôn tràn lan qua nhiều kênh đã và đang gây quan ngại về rủi ro an toàn thực phẩm, trong khi các mặt hàng này lại chiếm tỷ lệ thấp trong các kênh phân phối hiện đại, càng gây khó khăn cho NTD nhận diện sản phẩm an toàn và chất lượng.
Chủ tịch AVR nhận định, các mặt hàng thực phẩm chủ yếu bán lẻ ở kênh truyền thống và kênh không chính thức dẫn đến nhiều thách thức trong quản lý, giám sát và kiểm soát những vấn đề liên quan an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng kết nối sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng là vấn đề sống còn. Trong đó, cần sự tham gia nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các nhà bán lẻ, để tạo động lực cho các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm hữu cơ và quảng bá phổ biến đến NTD.
Đặc biệt là sự xuất hiện của mô hình cửa hàng bán sỉ và lẻ kết hợp (semi-retailer) – loại cửa hàng mới nổi, là những cửa hàng mà phần doanh thu từ 10% – 90% đến từ nguồn cung cấp cho các nhà bán lẻ thứ cấp.
Ngoài ra, vai trò của nhà phân phối bán lẻ hiện nay cũng cần phải kích thích quảng bá nông sản cùng với đó phối hợp với nhà sản xuất hỗ trợ về mặt công nghệ và khoa học để đưa giá thực phẩm hữu cơ xuống mức thấp, từ đó mới phân phối phổ biến đến với đại đa số NTD.
Đặc biệt, để sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch được NTD đón nhận, những thông tin về sản phẩm phải thực sự minh bạch, được xác thực.
Hồng Nhung