Ngày 7/9, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc Họp giao ban trực tuyến về chế biến gỗ và lâm sản với các Hiệp hội, Hội, và các DN chế biến và xuất khẩu (XK) gỗ - chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch XK của ngành nông lâm thủy sản.
Kim ngạch XK suy giảm mạnh
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung nhiều DN chế biến gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số DN ngành gỗ, giá trị XK chiếm gần 80% tổng kim ngạch XK của cả nước).
Hơn 50% DN ngành gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. |
“Theo báo cáo nhanh mà Tổng cục Lâm nghiệp nắm được, có hơn 50% DN ngành gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị XK đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6, 7, 8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết vừa qua, Hội đã thực hiện khảo sát 209 DN, kết quả chỉ còn 102 DN còn hoạt động. Công suất chế biến của DN giảm 50 - 70% do DN giảm lao động vì không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ, nhiều DN ngừng hoạt động do thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào cả từ nguồn trong và ngoài nước. Do chính sách giãn cách, đứt gãy trong các khâu thu mua khai thác, vận chuyển gỗ nguyên liệu và nguyên phụ liệu...
Trong khi đó, chi phí sản xuất phát sinh trung bình 5 - 8 triệu đồng/công nhân, chi phí vận chuyển tăng. DN cũng không xuất được hàng, do tắc khâu vận chuyển. Mặc dù, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường lớn tăng rất mạnh. Theo đó, hiện nay, DN đang phải tính toán lại các thời điểm giao hàng, đàm phán giá, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với các công ty, đối tác khác nhằm giữ, hoàn thành đơn hàng.
Tương tự thủy sản cũng là ngành XK tỷ đô, song ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho hay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động; những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30-40%. Chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn. Mặc dù hiện tại giá XK thủy sản tăng, đơn hàng tăng nhiều hơn, nhưng thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu vì không thể vận chuyển từ vùng này sang vùng khác, DN không thể tăng quy mô sản xuất để đáp ứng XK.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho hay dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu như: giảm đơn hàng của một số DN XK, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.
Điều này đã dẫn đến, kim ngạch XK nông lâm thủy sản trong tháng 8 giảm sâu so với cùng kỳ và tháng 7/2021 (đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021). 8 tháng 2021, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, như vậy trong 4 tháng còn lại, ngành cần đạt hơn 12 tỷ USD, để đạt mục tiêu 44-45 tỷ USD trong năm nay.
Trong đó, đối với cây ăn quả, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngừng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp; một số nơi ùn ứ, người dân không có lãi.
Với ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí nuôi, chăm sóc khi không xuất chuồng được; giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao...
Trong bối cảnh khó khăn, ông Việt cho biết, DN nông lâm thủy sản vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất còn khá cao (vay thế chấp lãi suất từ 7-8% năm, vay tín chấp lãi suất từ 20 – 30% năm)...
Đặc biệt, nhu cầu tiêm vắc xin cho công nhân sản xuất chế biến và thu mua nguyên liệu trong ngành rau quả, chăn nuôi (gia súc, gia cầm và thủy sản), chế biến nông lâm thủy sản rất cao. Tuy nhiên, vắc xin chỉ mới đáp ứng được 10 -15% cho mũi thứ nhất. Việc thiếu nhân công làm việc sẽ không sản xuất đáp ứng được số lượng hàng hóa theo hợp đồng XK, nguy cơ mất khách hàng và kim ngạch sụt giảm.
Cần thêm 'thuốc trợ lực'
Trước tình hình trên, đại diện ngành gỗ - ông Nguyễn Quốc Khanh kiến nghị, Nhà nước cần có lộ trình với các chính sách rõ ràng, thống nhất từ Bộ đến các địa phương. Hỗ trợ tài chính giúp DN như giảm chi phí BHXH, thuế, lãi suất ngân hàng, cung cấp các nguồn vốn để tái đầu tư.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, phản ánh thời gian qua Chính phủ đã có quyết định về việc giảm tiền điện cho các DN XK nông sản, nhưng quy định chỉ giảm cho DN có doanh thu 1 tỷ USD, song thực tế ở Việt Nam, đa phần là DN vừa và nhỏ nên chính sách này dường như không có tác dụng.
Mặt khác, ông Nguyên cho rằng trong tình hình trái cây, nông sản đang bước vào thu hoạch quy mô lớn, thời điểm quyết định của cả mùa vụ, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN. Chẳng hạn, các đơn vị có thể giảm lãi vay, tăng hạn mức… để DN tiếp cận nguồn vốn, thu mua nông sản. Đặc biệt, các địa phương phải thống nhất các biện pháp về đi lại, luồng xanh, xét nghiệm… tránh tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu gây cản trở kéo dài cho DN.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tại địa phương cần có các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với DN, HTX tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.
Đồng thời, cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vắc xin, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.
Bộ NN&PTNT cũng cần kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; Xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các DN hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì 3 tại chỗ (nhất là các nhà máy, kho lạnh).
Theo phản ánh của các DN, nếu các giải pháp trên được triển khai sẽ giúp ngành nông nghiệp tận dụng được cơ hội từ sự phục hồi của thị trường thế giới, cũng như đạt mục tiêu thu về 44-45 tỷ USD trong năm nay.
Lê Thúy