Sáng 30/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021. Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%.
Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021. |
Về công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ, cơ giới hóa nông nghiệp được nâng cao năng lực. Xây dựng 6 mô hình về “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị” (lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cà phê vùng Tây Nguyên).
Đáng chú ý, mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nhưng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đạt trên 24,23 tỷ USD, thặng dư thương mại 3,14 tỷ USD.
Theo đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 45 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD).
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tăng cường năng lực chế biến, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường.
Đồng thời, nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang và Hải Dương là gợi ý định hướng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững.
Theo đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động, đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu.
"Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, nhà thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm. Không phải đợi tới thu hoạch mới tính tới phân phối thế nào, mà cần được dự báo trước", ông Hoan nhấn mạnh.
Đồng thời, từ thông tin đó, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán lại lịch thời vụ để tránh trùng vào thời vụ của quốc gia mà chúng ta xuất khẩu nông sản qua. "Nếu giải quyết được điều này thì ngành nông nghiệp sẽ làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin đầu cung, chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch COVID-19", ông Hoan nói.
Nhật Linh