Giá lợn hơi xuất chuồng ở các tỉnh thành phía Nam vào ngày 13/7 ghi nhận vẫn đang ở mức thấp, dao động 48.000 - 62.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ một số sản phẩm lợn thịt vẫn duy trì ở mức cao gấp 3 - 4 lần giá lợn hơi.
Nghịch lý “mất cân bằng”
Rõ ràng là có sự “mất cân bằng” khi lợn hơi rớt giá tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng người tiêu dùng lại phải mua thịt với giá cao. Không những vậy, đầu ra của nhiều hộ chăn nuôi lại đang tắc nghẽn do các chợ đầu mối lớn đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 đợt 4, còn nhiều thương lái thì bị cách ly.
Trước tác động liên hoàn của dịch Covid-19 đòi hỏi ngành chăn nuôi lợn cần thích ứng tốt hơn. |
Như ở “thủ phủ chăn nuôi lợn” tại Đồng Nai, do hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh mặt hàng thịt lợn ở các chợ đầu mối tại Tp.HCM đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh, mua bán.
Việc đó dẫn đến đình trệ hoạt động thu mua lợn tại nhiều địa phương trong tỉnh này. Nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công.
Đó là lý do khiến cho Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mới đây đã đề xuất mở điểm bán thịt heo tại Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) để hỗ trợ người chăn nuôi, “giải cứu” nguồn lợn nuôi từ các trại nuôi, còn người tiêu dùng thì có chỗ mua lợn thịt với giá hợp lý.
Cần lưu ý thêm, qua quan sát tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Tp.HCM vào thời điểm này thì thấy rằng, nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu lại đang được bày bán khá phổ biến hơn là thịt tươi sống. Và do không có nhiều lựa chọn nên người tiêu dùng đành phải thay đổi thói quen, chấp nhận mua thịt nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng để không tắc nghẽn đầu ra cho các hộ chăn nuôi lợn ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai thì chính quyền tỉnh này nên phối hợp nhanh chóng với chính quyền Tp.HCM để có quyết sách hợp lý nhất nhằm khơi thông nguồn cung thịt lợn tươi sống với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.
Vướng mắc đang nằm ở chỗ, các điểm phân phối lớn về lợn thịt tại Tp.HCM trong tháng 7/2021 này đang đóng cửa trong thời điểm “nóng” của dịch Covid-19. Việc vận chuyển lợn thịt từ Đồng Nai đi Tp.HCM dù thuộc nhóm hàng hoá thực phẩm thiết yếu, nhưng lại đang gặp không ít vướng mắc khi mà nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa thể thực hiện được việc xin cấp giấy nhận diện phương tiện đi qua vùng dịch.
Trong chuyện tắc đầu ra này, có thể nói thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi mà họ hoàn toàn bị động trước các tác động liên hoàn của dịch Covid-19.
“Ngõ cụt” chăn nuôi nhỏ lẻ?
Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chính là việc đứt gãy chuỗi liên kết tiêu thụ vì dịch Covid-19. Điều đó có thể nhận thấy từ những đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi năm 2020, thế nhưng đa phần người chăn nuôi vẫn chủ quan và thiếu đi các động tác “phòng thủ” trong năm 2021 này.
Ở Đồng Nai, số liệu từ hồi năm ngoái số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chỉ còn chiếm dưới 10% tổng đàn lợn trên toàn tỉnh với 6.150 hộ chăn nuôi. Trong khi đó, chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo chuỗi liên kết của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gần 1,1 triệu con, chiếm trên 53,4% tổng đàn; còn lại là chăn nuôi do doanh nghiệp trong nước đầu tư.
Việc thu hẹp số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là một chỉ dấu để thấy rằng ngành chăn nuôi lợn muốn phát triển vững mạnh, vượt qua nhiều thách thức lớn (đơn cử như dịch Covid-19) thì rất cần ở những nhà chăn nuôi có chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ vững chắc hơn.
Thực tế cho thấy, trong khó khăn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay, ngoài những tình huống khó tránh khỏi vì dịch Covid-19, thì việc sản xuất của họ với thị trường đầu ra vẫn chưa có sự kết nối tốt. Trong khi hoạt động chăn nuôi của họ thiếu hẳn việc tái cơ cấu, tích tụ đầu tư thấp.
Hơn thế nữa, vấn đề tổ chức sản xuất của các hộ chăn nuôi lợn còn yếu, chi phí sản xuất lại cao, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đó cũng là nguyên nhân làm cho số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này trái ngược với hình ảnh các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận khủng. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ và cả các trang trại do người dân đầu tư ngày càng yếu thế trong cạnh tranh.
Ts. Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT) dự báo, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ trong 10 năm tới sẽ giảm mạnh (giảm 5 - 7%/năm). Đến năm 2028, sản lượng từ trong nông hộ chỉ còn dưới 30%, và chăn nuôi chủ yếu sẽ là cuộc chơi của những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.
Trong xu hướng giảm này, để các hộ chăn nuôi lợn có thể tồn tại, không rơi vào “ngõ cụt”, ngoài việc tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trong giai đoạn hội nhập, thì bản thân họ cần phải tiếp tục có nhiều thay đổi cho phù hợp tình hình mới.
Nhất là hoạt động chăn nuôi nông hộ cần có sự liên kết theo chuỗi, kết nối tốt với thị trường, phát triển theo hướng chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ truy xuất được nguồn gốc…và phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm nuôi.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ |
Thế Vinh