Giá rau, thịt, cá ở Tp.HCM trong những ngày qua có những thời điểm ghi nhận tăng gấp 3 - 4 lần so với những ngày thường trước tâm lý gom hàng khi toàn thành phố tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ 0h ngày 9/7).
Hiệu ứng Bullwhip?
Nguyên nhân được chỉ rõ là do tâm lý đổ xô mua hàng dự trữ của người dân, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa, quá trình vận chuyển khó khăn và tốn kém… Cũng không loại trừ cả việc thương lái, tiểu thương lợi dụng tình cảnh này nhằm gom hàng để đẩy giá bán cao hơn so với ngày thường.
Cần tránh hiện tượng “bóp méo” nguồn cung hàng hoá thiết yếu giữa dịch Covid-19 đợt 4. |
Trong khi đó, chính quyền Tp.HCM đã lên tiếng khẳng định, nguồn thực phẩm dự trữ của thành phố lên tới 120.000 tấn, tăng gấp 3 thông thường nên đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Tp.HCM cũng đã đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến.
Nhìn từ chuyện này, giới chuyên gia cho rằng, khi người dân ở thành thị đang chật vật trong việc giãn cách xã hội ở cấp độ cao, rồi những tác động dây chuyền khác, thì việc có hay không có biến động về nguồn cung hàng hoá thiết yếu cũng là nỗi lo khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh như hiện tại, Ts. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT nhìn nhận, do tính chất công việc nên phần lớn nhân công trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ thiết yếu không thể làm việc tại nhà. Nếu họ buộc phải ở nhà sẽ gây ra hậu quả xấu đến hoạt động sản xuất, xử lý đơn hàng và quản lý nguyên liệu thô.
Và điều quan tâm là nguồn cung hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ biến động khi người tiêu dùng lo ngại về tác động tiêu cực của việc đình trệ sản xuất. Như lưu ý của Ts. Phạm Công Hiệp, nhu cầu tăng cao khiến cho tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến hiệu ứng Bullwhip (hiện tượng thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị bóp méo hay khuếch đại lên qua các khâu chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra phản ánh không chính xác trong nhu cầu thị trường - PV).
Theo Ts. Phạm Công Hiệp, việc sản xuất và tiêu thụ hàng tươi sống cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mỗi khu vực có xu hướng chuyên môn hóa một số mặt hàng nhất định và không thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi đột ngột từ phía khách hàng.
Chống găm hàng, nâng giá
Điều này có thể thấy rõ ở mặt hàng thịt lợn. Việc đóng cửa các chợ đầu mối (như chợ đầu mối nông sản Hóc Môn tại Tp.HCM để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong những ngày qua đã làm cho giá thịt lợn móc hàm (khối lượng thịt xẻ sau khi giết mổ, đã làm lông, bỏ nội tạng) liên tục tăng mạnh.
Chẳng hạn như ngày 7/7, giá thịt lợn móc hàm tại Hóc Môn tăng lên ở mức từ 85.000-90.000 đồng/kg, tại Bình Điền là 90.000 đồng/kg, thì đến ngày 8/7 đã là 108.000 đồng/kg. Còn ở các điểm bán lẻ thịt lợn trên địa bàn Tp.HCM, giá sườn non hôm 8/7 đã lên mức 200.000 đồng/kg thay vì 170.000 như vài ngày trước; thịt ba rọi tăng đến 180.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, khi giá thịt lợn móc hàm đang ở mức cao như vậy thì giá thu mua lợn hơi trong những ngày qua ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ dao động ở mức khoảng 54.000 - 62.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương mới đây nhận định, dự kiến giá lợn hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý III/2021 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, giá lợn hơi sẽ khó tăng đột biến.
Còn nhìn lại từ tháng 6/2021 cho đến nay, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do thị trường tiêu thụ chậm dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn có thể giúp thị trường trở nên cân bằng ở thời điểm hiện tại, giúp cho doanh nghiệp quản lý tốt hơn vấn đề tài chính. Mặc dù vậy, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung vào thời gian tới.
Trong việc đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu cho Tp.HCM và các tỉnh phía Nam giữa bối cảnh đang áp dụng các biện pháp về giãn cách xã hội nhằm chống dịch Covid-19 đợt 4 như hiện tại, một trong những vấn đề mà Bộ Công Thương lưu ý là cần chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá.
Để không “bóp méo” nguồn cung hàng hoá thiết yếu giữa đại dịch trong thời gian tới, ngoài việc đẩy lùi dịch bệnh, để mọi hoạt động sản xuất trở lại bình thường, điều quan trọng là các cơ quan quản lý kiểm soát được biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh gây ra.
Đặc biệt, nên mạnh tay xử lý các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ