Sau kiểm toán Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn phải nộp vào NSNN thêm 4.586,5 tỷ đồng
Con số trên được thể hiện trong Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013 của Quốc hội (QH) về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa được Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc gửi đến Ủy ban thường vụ QH và các Đại biểu QH.
Suýt mất 491,5 tỷ đồng vốn nhà nước
Đây là con số khiến dư luật giật mình, bởi mới chỉ có 4 DNNN cổ phần hoá mà ngân sách nhà nước suýt mất đi hàng trăm tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2017, KTNN đã kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 4 DNNN, qua đó đã xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 491,5 tỷ đồng; xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6.374,7 tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 tăng thêm 1.504,4 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng thêm 4.586,5 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Thanh Lễ tăng thêm 72,8 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng Công ty sản xuất XNK Bình Dương tăng thêm 211 tỷ đồng.
KTNN chỉ ra nhiều lý do khiến xuất hiện chênh lệch này như việc định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hoá của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành, làm giảm giá trị tài sản được định giá. Thể hiện ở những hạn chế trong lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...
Bên cạnh đó cũng có những lý do khách quan như "vênh" về thời điểm DNNN được định giá và lúc DNNN cổ phần hóa hay việc thẩm định viên không có đầy đủ thông tin thời điểm định giá như kiểm toán viên Nhà nước.
Theo quy định, các DNNN có quy mô lớn, vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng khi thực hiện cổ phần phải được KTNN kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán phát hiện sự chênh lệch về giá trị cổ phần hoá xảy ra ở hầu hết các DNNN. Trong khi đó, thời gian tới số lượng DNNN cổ phần hoá sẽ còn tăng mạnh, dự kiến khoảng 80 doanh nghiệp. Do đó, để hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hoá, Nghị định 59 sửa đổi quy định đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 1.800 tỷ đồng thay vì mức 5.000 tỷ đồng.
Nên định giá bằng 2 phương pháp
Trước đó, qua kiểm toán bằng phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn ở một số DNNN như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng 1.994 tỉ đồng, lên 60.623 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng thêm 512 tỉ đồng, lên 19.308 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng thêm 575 tỉ đồng, lên 49.868 tỉ đồng; Công ty mẹ Vinafood II tăng thêm 362 tỉ đồng, lên 14.630 tỉ đồng; Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist tăng thêm 110 tỉ đồng, lên 6.145 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam tăng 293 tỉ đồng, lên 4.249 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, các DNNN khi cổ phần hoá chủ yếu định giá bằng tài sản. Thế nhưng do quyền tài sản không được xác lập rõ ràng, tài sản quan trọng nhất là mặt bằng, đất đai gắn với lợi thế địa điểm không được mang ra định giá dẫn đến giá trị vốn của doanh nghiệp thấp.
Các chuyên gia cho rằng, cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 02 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu).
Chẳng hạn, với những doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng định giá doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì phải tiến hành song song cả phương án tài sản.
Điển hình, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist khi định giá bằng phương pháp định giá tài sản, chênh lệch giữa con số kiểm toán và đơn vị định giá 152.175 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam có mức chênh 267.713 tỷ đồng.
Nhưng, khi KTNN xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị doanh nghiệp tăng so với phương pháp tài sản ở hai doanh nghiệp này lên đến 15.684 tỷ đồng.
Tại báo cáo, KTNN cũng cho rằng, chênh lệch số liệu sau khi KTNN định giá lại, nếu điều chỉnh ngay sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này doanh nghiệp vẫn đang sử dụng như trước khi cổ phần.
Vì vậy, KTNN đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép không phải điều chỉnh lại giá trị ở một số công ty đã cổ phần hoá xong.
Thanh Hoa