Báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, tăng trưởng GDP giảm mạnh từ quý I sang quý II cũng như so với cùng kỳ các năm trước. Sản xuất công nghiệp sụt giảm trên diện rộng, trong đó có cả những ngành được coi là có nhiều tiềm năng trong các FTA mới (CPTPP, EVFTA). Phần lớn doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Có nên mặc cả với nhà đầu tư ngoại?
Diễn biến kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn rất bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19. Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.
Cần có chiến lược thu hút FDI hậu COVID-19 (Ảnh: TL) |
Mặc dù kỳ vọng nhiều tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… ở một số thị trường và mức độ thích ứng của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội như dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, động lực cho đổi mới và sáng tạo, cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp biết thích nghi.
Đi sâu vào câu hỏi làm thế nào để đón được làn sóng dịch chuyển FDI, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), nhìn nhận, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp trong nước, mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với FDI.
Theo ông, thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sàng lọc doanh nghiệp FDI hoặc chọn lựa. Hay quan điểm hạn chế thu hút FDI để doanh nghiệp trong nước lớn lên vì lo sợ họ sẽ chiếm hết cơ hội, lạm dụng nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên...
Nêu quan điểm của mình, chuyên gia của CIEM cho rằng, FDI thực sự quan trọng đối với Việt Nam, chúng ta rất cần công nghệ, kỹ năng quản trị và chuỗi giá trị. "Vì vậy, chúng ta cần phải biết mình đứng ở đâu, đang ở nhóm nào và trong bối cảnh nào. Đừng nghĩ rằng mình đã lớn mà có quyền lựa chọn. Chúng ta có quyền thiết kế cuộc chơi nhưng đừng nhầm là có quyền mặc cả. Một khi chúng ta xác định làm gì, chơi với nhà đầu tư như thế nào thì mới đạt kết quả tốt", ông nói.
Đặc biệt, trong "cuộc chơi" với DN FDI, chúng ta cần phải hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được với doanh nghiệp nước ngoài.
Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị, Việt Nam trước tiên cần cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính chứ không phải chọn lọc dự án.
Có thể nói, việc cải thiện môi trường kinh doanh là cực kỳ quan trọng cả trong thu hút FDI và tạo động lực để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh. Ai cũng nói là bối cảnh mới nhưng cách làm vẫn cũ, tư duy vẫn cũ thì rất khó tạo khác biệt.
Sẵn sàng cắt bỏ "quyền anh, quyền tôi"
Theo đó, chuyên gia CIEM Nguyễn Anh Dương nêu ra 4 "chữ bớt" mà Việt Nam nên làm. Trước tiên là "bớt sợ trách nhiệm" bởi nếu sợ trách nhiệm, việc giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công sẽ chỉ nằm ở lời nói, đó là chưa nói tới nhiều việc khác cũng như vậy.
"Bớt sốt ruột" trong hỗ trợ tài khóa tiền tệ. Mở rộng tài khóa tiền tệ thì có tăng trưởng, nhưng sẽ có hậu quả lớn về lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần phải đánh giá trên tình hình thực tế của mình, chứ không phải nghe các nước khác làm thế thì mình cũng làm thế.
"Bớt dè dặt", chúng ta cần chủ động trước nhiều cái mới, mạnh dạn mở rộng tư duy và hướng tiếp cận như tiền điện tử, kinh tế số. Ví dụ tiền điện tử, chúng ta cần mạnh dạn đi vào và có cách làm sáng tạo. Nhiều người đã nói chúng ta đừng lên con tàu cuối hoặc bỏ lỡ chuyến tàu. Nhưng nếu không chủ động làm, mà chờ kinh nghiệm thế giới thì cuộc chơi đã xong rồi, các nước đã sắp đặt vị thế rồi, Việt Nam không thể làm gì được.
Cuối cùng là "bớt sợ thiếu việc", nếu các bộ, ngành vẫn cứng nhắc chỉ làm việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình mà không chịu cắt bỏ "quyền anh, quyền tôi", chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ không thể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lớn lên.
Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro – đặc biệt gắn với COVID-19 trong bối cảnh "bình thường mới".
Về cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM kỳ vọng những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp 2020 được soạn thảo trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp để đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực cũng như quốc tế.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 có nhiều thay đổi quan trọng, tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Ông Hiếu nhìn nhận: “Có thể thấy, với việc tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000 – 2005 - 2014 trong hiện thực hoá đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Lê Thúy