Liên quan tới động thái tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) của Bộ Công Thương, có lẽ nên nhắc lại lưu ý gần đây của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có Thông tư mới về vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh. Có Thông tư tốt sẽ hỗ trợ thị trường vận hành tốt ngay từ đầu.
Ưu tiên điện khí
Trong quá trình triển khai VCGM, nhiều nhà máy điện than phiền gặp nhiều khó khăn vì chu kỳ thanh toán chậm, phát sinh nhiều chi phí, quy trình vận hành…
Cụ thể, đối với các nhà máy nhiệt điện khi tham gia VGCM, theo quy định phải chào giá theo chi phí biến đổi, cơ chế giá công suất thị trường chỉ tính toán trên nguyên tắc đảm bảo cho nhà máy điện mới, tốt nhất là thu hồi đủ chi phí biến đổi và cố định. Do đó, các nhà máy khá khó khăn trong việc thu hồi chi phí cố định nếu giá thị trường điện thấp.
Một số doanh nghiệp điện cho biết trong nhiều trường hợp, giá thị trường thấp hơn chi phí biến đổi, các nhà máy nhiệt điện ngừng dự phòng nhằm tiết kiệm chi phí nhưng để đảm bảo an ninh hệ thống điện, các nhà máy vẫn được huy động với tải thấp dẫn đến hiệu suất tiêu hao than, dầu và điện tự dùng tăng cao hơn phương án giá điện.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng thấp của lĩnh vực sản xuất và phân phối điện cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Theo nhận định mới đây trong báo cáo của Bộ Công Thương, lĩnh vực này trong 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng trưởng 8,9%, thấp hơn mức tăng 11,8% của cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo, khả năng điện sản xuất và phân phối điện trong ba tháng cuối năm nay cũng chỉ tăng ở mức 9,4 – 9,8%.
Nguyên nhân có mức tăng thấp là do nhu cầu tiêu thụ điện của nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư tăng rất thấp (khoảng 3,9%), trong khi đây là nhóm chiếm khoảng 33% tổng sản lượng điện thương phẩm. Trái lại, điện thương phẩm cho nhóm công nghiệp – xây dựng vẫn tăng cao 12,27%.
Trở lại Quyết định số 3698/QĐ-BCT của Bộ Công Thương vừa ban hành về việc ngừng hoạt động tạm thời thị trường phát điện cạnh tranh, theo đánh giá tác động của bộ phận phân tích công ty Chứng khoán Rồng Việt, tổng lượng điện năng huy động sẽ không bị ảnh hưởng nhưng sẽ có sự phân bổ lại sản lượng điện huy động từ mỗi nhóm nguồn điện, chủ yếu là giữa nhiệt điện khí, nhiệt điện than và thủy điện.
Trong quyết định của Bộ Công Thương cũng nêu rõ việc ưu tiên nhiệt điện khí, cho nên giới phân tích kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng trong tổng sản lượng của nhóm này. Như vậy, đồng nghĩa với việc một số doanh nghiệp điện khí sẽ được hưởng lợi, chẳng hạn như công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), mới chỉ bán khoảng 15 – 20% sản lượng điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Một số doanh nghiệp điện khí sẽ được hưởng lợi từ việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh
Bất lợi điện than
Thậm chí, theo giới chuyên gia, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) còn gián tiếp được hưởng lợi từ chuyện này trong quá trình cổ phần sắp diễn ra khi năm ngoái NT2 đã đóng góp đến 60% lợi nhuận cho họ.
Mấy năm trước, khi mới thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng Giám đốc NT2, từng chia sẻ rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay của PV Power NT2 trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh là nhà máy phải mua khí nhiên liệu đắt hơn nhiều nhà máy khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dẫn đến bất bình đẳng khi tham gia thị trường điện.
Ngoài ra, thị trường phát điện cạnh tranh hiện mới ở giai đoạn đầu, các văn bản pháp quy, các quy định liên quan vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, ông Quốc bày tỏ mong muốn thị trường phát điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng ngày càng minh bạch và bình đẳng hơn.
Còn tình hình hiện nay, các doanh nghiệp điện khí tạm thời đã bớt thiệt thòi nhưng việc Bộ Công Thương tạm dừng VCGM đến thời điểm nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Với diễn biến mới này, có thể thấy rủi ro đã chuyển sang nhóm nhiệt điện than khi sản lượng điện có thể giảm và không có đảm bảo lợi nhuận định mức nếu sản lượng huy động thấp hơn mức Qc (sản lượng hợp đồng năm).
Chuyện này diễn ra trong bối cảnh tiêu thụ than đạt thấp do các nhà máy nhiệt điện lấy than thấp vì hầu hết nhà máy điện than đều được huy động phát thấp (dưới 50% công suất). Trong khi đó, Tập đoàn Than –
Khoáng sản Việt Nam còn tồn hàng triệu tấn than.
Chưa kể, giá than trong nước sẽ có thể tăng do độ trễ về thời gian. Điều này dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực với phần lợi nhuận trên thị trường cạnh tranh của các nhà máy nhiệt than.
Đồng thời trong Quy hoạch điện VII, điều chỉnh đặt mục tiêu tăng tổng công suất nhiệt điện than trên tổng công suất của cả ngành lên 42,7% vào năm 2020 và 49,3% vào năm 2025. Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nhiệt điện than được đặt mục tiêu tăng lên 49,3% vào năm 2020 và 55% vào năm 2025.
Nguyên nhân chính cho định hướng đầu tư vào nhiệt điện than của Chính phủ Việt Nam là do tiềm năng thủy điện ở Việt Nam không còn nhiều, không thể đáp ứng kịp nhu cầu điện năng có tốc độ tăng trưởng cao trên 10%/năm của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, năm 2016, giá điện trên thị trường cạnh tranh giảm, yếu tố giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá các khoản vay ngoại tệ là yếu tố chính ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty nhiệt điện.
Như vậy, biến động về giá nguyên liệu chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận từ phần bán điện trên thị trường cạnh tranh mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận bán điện hợp đồng.
Thế Vinh