Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng trong bối cảnh quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh ATTP còn nhiều "lỗ hổng", hàng loạt vụ mất ATTP xảy ra như "cơm bữa", việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải hết sức nỗ lực. Bên cạnh việc đầu tư cho nguồn lực con người và thiết bị, bản thân các doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Phải vì lợi ích người tiêu dùng
Ngày 15/5, tại hội thảo do Bộ Công Thương chủ trì về Chính sách pháp luật mới về ATTP và hành động của DN vì sức khỏe cộng đồng, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công Thương), khẳng định: Nghị định 15 đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng (NTD). Trong đó, nội dung được cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đánh giá cao trong nghị định mới này là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm.
Nghị định 15 cũng mang đến sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu (NK), chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây.
"Điều này là bước cải tiến thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN, giúp tiết kiệm chi phí như không còn đại diện ba bộ quản lý nhà nước về ATTP (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT), mà thay vào đó chỉ có cơ quan hải quan thường trực ở cửa khẩu", ông Hoàn cho biết.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực ATTP, Bộ đã bãi bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính. Trong đó, bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như: Bản sao có xác nhận của cơ sở, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, phần lớn các mặt hàng thực phẩm vẫn lưu thông qua kênh truyền thống, nhưng tỷ trọng hàng hóa thực phẩm qua kênh hiện đại ngày càng tăng, chiếm khoảng 20-25% tổng lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Thời gian vừa qua, để góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý như tư vấn, hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP ngành công thương.
"Trong thời gian tới, trong khuôn khổ Dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 24 địa phương và 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP ngành công thương là cửa hàng tổng hợp các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý từ hai bộ trở lên, cửa hàng nước khoáng, bánh các loại", bà Nga nhấn mạnh.
Nghị định 15 đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. |
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song thực trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn vẫn là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý. Dưới góc độ NTD, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD (Vinastas) cho biết: Ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa hề giảm.
Vinastas dẫn chứng nhiều vụ việc gần đây như năm 2017 xảy ra vụ hơn 4.600 con lợn bị tiêm thuốc an thần, trong đó trên 3.700 con bị yêu cầu tiêu hủy tại cơ sở giết mổ Xuyên Á có quy mô giết mổ hơn 5.000 con/ngày, chiếm đến 50% sản lượng thịt tiêu thụ của Tp.HCM, bị phạt trên 400 triệu đồng.
Trong khâu lưu thông, nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện, phải tiêu hủy. Các cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sử dụng chất "vàng ô" có thể gây ung thư trộn vào thức ăn chăn nuôi, ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D. Có vụ tới 8 vạn lọ thuốc kích thích giá đỗ, nguồn gốc Trung Quốc; vụ hơn 43 tấn măng ngâm hóa chất có thể giữ từ 1-2 năm để bán dần…
Đối với hàng nhập khẩu, các vụ nổi cộm là sữa nhiễm melamine, thực phẩm chức năng giả có nguồn gốc Trung Quốc, thạch rau câu có chứa chất DEHP, hạt trân châu chứa axit maleic…
Quyền của NTD là được cung cấp thông tin trung thực nhưng các thông tin quảng cáo trong nhiều trường hợp thiếu trung thực, gây nhầm lẫn, thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược…
Đại diện Vinastas cũng chỉ ra: "Xuất xứ hàng hóa là một trong 3 nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa nhưng nhiều hoa quả, thực phẩm chức năng, nguồn gốc Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ Mỹ, Úc, Nhật.
Nhiều giải pháp hữu hiệu để mang lại một môi trường an toàn hơn trong sản xuất, lưu thông thực phẩm đã được đề cập tại hội thảo. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất là cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để phạt cho tồn tại.
Những tổ chức, cá nhân vi phạm cần công khai danh tính để NTD biết và thực hiện quyền được lựa chọn của mình. NTD cần "nói không", tẩy chay các cơ sở làm ăn gian dối, công bố một đằng thực hiện một nẻo. Cần nâng cao vai trò cơ chế giám sát của các tổ chức xã hội, các đoàn thể và NTD.
Bên cạnh đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhấn mạnh: Bản thân các DN, nhà sản xuất cần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội trước cộng đồng, cần xây dựng uy tín của sản phẩm, "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", cần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm an toàn và cam kết lâu dài vì sức khỏe cộng đồng.
Hiện, một số DN đã cam kết bằng nhiều chương trình hành động vì ATTP, vì sức khỏe cộng đồng. Đơn cử như Lotte cam kết kiểm soát chất lượng và đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn đến NTD ở tất các các hệ thống của Lotte.
Cùng với đó, tại Sabeco, các nhà máy đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hầu hết các nhà máy có chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000:2005…
Hồng Quân
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) Tính đến hết tháng 4/2018, hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện hành có liên quan đến đối tượng thực phẩm là 1.536 TCVN, trong đó có 884 TCVN (chiếm 57%) về ATTP. Trong đó, 75% TVCN về ATTP hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Trong hệ thống quản lý Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về ATTP có 97 QCVN liên quan đến ATTP, trong thời gian tới, Tổng cục dự kiến tiếp tục có những QCVN khác để đảm bảo ATTP. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Đối với việc hậu kiểm, Chính phủ hiện đang có đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường, có chức năng mới, sẽ xử lý hành động nhanh hơn, chỉ đạo xuyên suốt, việc kiểm soát các quy định, tuân thủ các quy định của Nhà nước về kiểm soát ATTP sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra, với hệ thống thanh tra, thí điểm tại các thành phố lớn về ATTP đến tận tuyến huyện, xã, việc phát hiện ra các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, điều kiện ATTP sẽ thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay đổi cách tiếp cận từ tiền kiểm sang hậu kiểm, góp phần giảm thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, NTD liệu có yên tâm về những thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự công bố khi đã có không ít thông tin sai lệch, không trung thực về sản phẩm đánh lừa NTD để trục lợi? Vì vậy, yêu cầu đặt ra với công tác hậu kiểm là cần kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các sản phẩm không an toàn trên thị trường nhằm bảo vệ NTD. |