Thực tế, theo Bộ Công Thương, trong 10 ngày đầu tháng 5/2018, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn giảm do xuất khẩu (XK) chậm.
Tại Tây Ninh, vẫn còn một số diện tích chưa thu hoạch nhưng do đất quá khô cứng bởi nắng nóng kéo dài, nên việc thu hoạch sắn gặp khó khăn. Do thiếu nguyên liệu nên một số nhà máy tại Tây Ninh chỉ chạy cầm chừng để trả hàng theo các hợp đồng đã ký trước đây.
Giá cao nhưng khan hiếm
Tại Gia Lai, do giá sắn củ năm nay cao nên sẽ không còn sắn 2 năm như những năm trước. Do đó, sắn lát vụ mới được nhận định sẽ có muộn hơn ít nhất khoảng nửa tháng, sớm nhất phải sang đến đầu tháng 1/2019, sắn lát mới thu hoạch được.
Hiện nay, nhà máy cồn tại Quảng Nam đang chạy với công suất cầm chừng khoảng 7-8 xe/ngày với giá sắn lát đưa về đến kho nhà máy là 5.300 đồng/kg. Tất cả sắn đều được gom từ khu vực Sơn La hoặc Nghệ An, lượng sắn lát từ Quy Nhơn rất hạn chế do giá cao.
Tại khu vực Tây Nguyên, lượng sắn củ đưa về các nhà máy tinh bột có xu hướng giảm do đã vào cuối vụ. Giá mua vẫn giữ ổn định ở mức đã được thiết lập đầu tháng 5, dao động từ 2.600 – 2.900 đồng/kg tùy nhà máy và khoảng cách xa gần.
Đặc biệt, tại Kon Tum, tình trạng hom sắn giống tăng giá và khan hiếm xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là tại những huyện trồng nhiều loại cây này, như Đăk Tô, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon Rẫy…
"Những vụ trước, mỗi cây sắn giống giá khoảng 1.000 đồng nhưng năm nay, giá cao gần gấp 3 lần, 2.500 – 3.000 đồng/cây giống. Mỗi cây sắn có thể cắt thành 7-10 hom giống", Bộ Công Thương cho biết.
Để trồng được 1ha sắn, người dân ở tỉnh Kon Tum cần 12.000 – 16.000 hom giống tùy mật độ trồng, đương đương với 5 triệu đồng/ha hom giống.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến giá hom sắn giống ở tỉnh Kon Tum năm nay tăng đột biến là do giá thu mua củ sắn tăng cao kỷ lục khoảng 3.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua, cũng là động lực khiến người dân tập trung trồng loại cây này. Hiện, tỉnh Kon Tum có vùng nguyên liệu sắn trên 38.000ha và 8 nhà máy chế biến.
Cùng với đó, ở chiều XK, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giá XK bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 4/2018 tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2017 lên 418,8 USD/tấn. Mức chào giá XK của các nhà máy hiện khoảng 530 – 535 USD/tấn FOB cảng Tp.HCM.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã XK đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 369,2 triệu USD, giảm 21,6% về lượng nhưng tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Công Thương dự báo thời gian tới, giá sắn lát sẽ tiếp tục ổn định mặc dù nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại, do nguồn hàng trong kho các nhà máy hạn chế.
Việc trồng sắn ồ ạt sẽ làm cho dư thừa lượng sắn dẫn tới giá có thể giảm trong thời gian tới |
Lo vỡ quy hoạch
Với đà giá sắn tăng cao như hiện nay, theo phản ánh, nhiều nông dân ở các huyện miền núi của nhiều tỉnh đang ồ ạt trồng sắn.
Tại Phú Yên, nhiều nông dân đang bỏ mía để trồng sắn, trong khi theo quy hoạch, diện tích sắn của tỉnh chỉ có 11.000ha.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt Phú Yên, cho biết việc trồng sắn ồ ạt sẽ làm cho dư thừa lượng sắn, dẫn đến các nhà máy thu mua khắt khe hơn và khiến giá sắn có thể giảm trong thời gian tới.
"Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, chúng tôi thấy nông dân trồng sắn quá nhiều dẫn đến một số hệ lụy. Trước tiên là về giống, vì khi chuyển sang trồng sắn trong điều kiện không chuẩn bị sẵn giống, họ sử dụng giống cũ, chất lượng không cao và giống nhiễm bệnh như sáp bột hồng thì rất nguy hiểm", ông Mạnh cho biết.
Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, niên vụ sắn 2016 – 2017, hai nhà máy chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân và Sông Hinh chỉ ký hợp đồng với nông dân đầu tư cho vùng nguyên liệu gần 2,5 tỷ đồng để trồng 1.215ha sắn, nghĩa là chỉ chiếm 11% diện tích vùng nguyên liệu được quy hoạch.
Trong khi đó, nông dân phải vay các ngân hàng thương mại khoảng 170 tỷ đồng để trồng sắn. Các nhà máy cũng chưa quan tâm du nhập giống mới để thay các giống đã thoái hóa, bị sâu bệnh dẫn đến giảm năng suất và độ bột.
Không chỉ Phú Yên, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy cả nước hiện có hơn 400.000ha sắn, riêng các tỉnh Tây Nguyên là 160.000ha. Nhiều diện tích được quy hoạch trồng ngô lai, bông vải, nay nông dân tự phát chuyển sang trồng sắn khiến sản lượng sắn tăng mạnh. Như Gia Lai, đến nay, các nhà máy chế biến chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng sắn toàn tỉnh, số còn lại trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá, nông dân thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc bùng nổ diện tích trồng sắn ở Tây Nguyên đã dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông nghiệp ở địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
"Đáng ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao nên việc tiêu thụ khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ", ông Trung cảnh báo.
Thy Lê