Từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga) sẽ chính thức có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%, tiếp tục là đòn giáng chí mạng lên ngành mía đường trong nước.
Doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu
CTCP Mía đường Sóc Trăng cho biết từ đầu vụ đến tháng 4/2019, giá bán đường luôn ở mức thấp kỷ lục (chỉ 10.000 – 10.300 đồng/ kg) nên kết quả kinh doanh của công ty đạt rất thấp, dự kiến niên vụ 2018 – 2019 thua lỗ gần 30 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá đường thấp dẫn đến giá mía thấp, cộng với những thông tin bất lợi của ngành mía đường khi hội nhập kinh tế quốc tế nên phần lớn người dân bỏ mía và không đầu tư cho cây mía, dẫn đến diện tích, năng suất và chất lượng đều sụt giảm mạnh.
Công ty đã cố gắng giữ giá mía ổn định ở mức 800 đồng/kg mía nhưng người trồng mía đa phần bị thua lỗ do giá mía thấp, năng suất và chất lượng mía không cao. Đời sống của nông dân trồng mía gặp nhiều khó khăn.
Do đó, nếu thực hiện mở cửa mặt hàng đường từ tháng 1/2020 như Chính phủ đã gia hạn, có nguy cơ hàng ngàn hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ bỏ mía do thua lỗ. Lý do là bởi chi phí sản xuất mía còn cao nhưng doanh nghiệp (DN) không thể tăng giá thu mua mía cao hơn được do giá đường thấp. Công ty có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy, hàng trăm công nhân và người lao động thất nghiệp.
Trong khi đó, CTCP Mía đường Trà Vinh cho biết dự kiến niên vụ 2018 – 2019 thua lỗ trên 25 tỷ đồng. DN và người dân trồng mía những năm gần đây đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng cây mía, giảm chi phí sản xuất để từng bước theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù diện tích vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ nên chưa thể áp dụng cơ giới hoá đồng loạt, dẫn đến giá thành sản xuất mía, đường vẫn còn cao; các chính sách hỗ trợ ngành mía đường của Việt Nam cũng kém xa so với các nước khác…
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng phòng nguyên liệu, CTCP Mía đường Tuy Hoà, chia sẻ vùng nguyên liệu của công ty trước đây khoảng 7.000 ha, nhưng 3 năm vừa qua bắt đầu sụt giảm dần và vụ sắp tới chỉ còn dưới 4.000 ha, chứng tỏ diện tích mía đang co hẹp lại và công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đã nâng công suất lên 3.200 tấn mía/ngày, với diện tích mía này, công ty chỉ đủ sản xuất khoảng 2 tháng trong vụ tới.
Trước đây, công ty thu mua mía với giá 900.000 – 1 triệu đồng/tấn, nhưng 3 năm nay bình quân chỉ đạt 750.000 – 800.000 đồng/tấn. Giá mía xuống là do giá đường giảm, mà giá đường giảm là do đường nước ngoài nhập vào nhiều, đặc biệt là đường lậu.
Tương tự, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch CTCP Mía đường Cần Thơ, cho hay diện tích vùng nguyên liệu của công ty chỉ còn khoảng 7.000 ha so với trước đây là 12.000 – 15.000 ha.
“Chúng tôi có 2 nhà máy nhưng chỉ một nhà máy hoạt động vì chỉ có 400.000 – 500.000 tấn mía nguyên liệu trong khi cần 800.000 tấn. Lý do mía nguyên liệu giảm là bà con nông dân trồng mía khó khăn. Bên cạnh đó, còn yếu tố sản xuất nhà máy bị lỗ do giá đường giảm sâu, do đường nhập lậu, chính sách tạm nhập tái xuất quản lý chưa tốt. Đường nhập lậu tạm nhập vào nhưng quản lý đầu ra chưa tốt, ảnh hưởng đến DN trong nước”, ông Thái nói.
Theo ông Subbaiah, Tổng giám đốc công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP), việc các DN nhập đường thô về tinh luyện để tiêu thụ nội địa mà không xuất khẩu đã ảnh hưởng lớn đến thị trường đường trong nước. Việc tạm nhập tái xuất nhưng không xuất, lại bán trong nước sẽ “giết” ngành sản xuất đường nội địa. Hầu hết công ty tiêu dùng lấy đường để sản xuất đều lấy đường ở đó nên sản phẩm của các nhà máy đường tồn kho rất lớn.
Nguy cơ đường Thái đè bẹp đường nội |
Lao đao vì đường lậu
Với chiều hướng này, trong thời gian tới, chắc chắn giá đường sẽ không lên bởi Hiệp định Atiga từ ngày 1/1/2020 sẽ chính thức có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%. Khi hội nhập theo cam kết Atiga, lượng đường tràn vào càng lớn và giá đường sẽ phải giảm xuống 15 – 20%. Khi giá đường xuống thấp thì giá thu mua mía của người nông dân chắc chắn sẽ giảm và người nông dân một khi không có lãi sẽ chuyển sang trồng cây khác. Điều này sẽ khó khăn cho các nhà máy.
Ông Subbaiah thiết tha đề nghị Chính phủ có những chủ trương chính sách phù hợp điều kiện sản xuất cây mía của người nông dân và DN Việt Nam.
Trong khối ASEAN, ông Subbaiah cho rằng sản xuất mía đường của Việt Nam chỉ thua Thái Lan. DN mía đường mong muốn Chính phủ có chính sách đúng đắn, phù hợp như tạm hoãn thời gian hội nhập và để ngành mía đường được tự quyết với những sản phẩm làm ra để tiếp tục đầu tư phát triển DN. Ví dụ như có chính sách cho sản xuất ethanol nhiên liệu (công ty xăng dầu có nhu cầu đến các DN sản xuất nhiên liệu mua trực tiếp, giá cả do hai bên tự thỏa thuận), hay có chính sách hỗ trợ về thuế.
Trước kiến nghị của DN về việc lùi thời hạn mở cửa ngành mía đường, giới chuyên môn nhận định khả năng trì hoãn Hiệp định Atiga theo đề xuất này không lớn. Do đó, về lâu dài vẫn rất cần có một giải pháp căn cơ, với những chính sách hỗ trợ tốt hơn từ Chính phủ đối với ngành đặc thù này.
Với tình trạng cấp bách của ngành mía đường, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề: “Chủ trương hội nhập là đúng nhưng triển khai như thế nào? Hội nhập mà người dân nghèo đi, mất việc thì phải làm sao? Chúng ta cần phải xác định với nhau, ngành đường của Việt Nam có tồn tại hay không? Nó có cần thiết trong quá trình phát triển đất nước hay không? Hay hội nhập rồi ăn đường ngoại cũng được… Vậy, vấn đề là mấy triệu người nông dân đang trồng mía sẽ ra sao, chịu ảnh hưởng như thế nào?”.
“Nếu không trồng được mía, các diện tích đó trồng cây khác được không, nhà máy có đủ để thu mua không…? Cho nên chúng ta phải quy hoạch để phân vùng trồng trọt cho hợp lý. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, bên cạnh Nhà nước có chính sách hỗ trợ, hạn chế đường nhập lậu, chính các DN, người nông dân trồng mía cần phải nâng cao năng suất, áp dụng công nghệ trong sản xuất để giảm giá thành, có như vậy ngành mía đường mới có thể sống sót trong hội nhập.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Muốn giữ cây mía phải giữ giá đường đủ cao, cho nên riêng cây mía là loại nông sản được tất cả các nước can thiệp và bảo hộ lớn. Nếu mình hội nhập một cách ngây thơ chắc chắn sẽ thất bại. Giờ nếu thả ngành mía đường hội nhập thì giống thả “cậu bé chân trần vào sân bóng” trong khi người ta được “trang bị tận răng”. Ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch CTCP Mía đường Cần Thơ Giá đường sản xuất của DN không thua kém các nước trong khu vực nhưng không cạnh tranh nổi đường lậu. Tôi nghĩ Nhà nước nên có chính sách đối với nông dân, DN trồng mía. Nếu không có chính sách hỗ trợ, 100 triệu dân Việt Nam sẽ ăn đường của Thái Lan, vì nhiều nhà máy đường trong nước đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ông Antoine Marriot - Chuyên gia nghiên cứu về mía đường Tương lai và năng lực cạnh tranh của ngành mía đường sẽ phụ thuộc vào vấn đề quản lý thị trường, kiểm soát pháp lý cũng như nhập khẩu bất hợp pháp. Việt Nam càng hội nhập, việc kiểm soát càng khó nhưng đây là điều bắt buộc phải làm. Việt Nam phải hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp, nông dân trên cánh đồng mía, nếu không “cái chết” sẽ xảy ra rất nhanh. |