Trong bối cảnh ngành mía đường Việt Nam rất khó khăn, việc gia nhập và thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA) theo lộ trình từ 1/1/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn.
Nông dân tái nghèo, DN phá sản
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh), cho biết Tây Ninh từng là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn phục vụ cho phát triển của ngành mía đường cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nhiều mặt. Người trồng mía liên tục thua lỗ do giá mía thu mua quá thấp, nên đã không còn mặn mà, thiết tha và quay lưng với cây mía, từ đó làm cho diện tích trồng mía giảm mạnh, nhiều nhà máy sản xuất mía đường phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Trong khi đó, các chính sách phát triển hỗ trợ của Nhà nước cho ngành mía đường tuy có nhưng không kịp thời, thiếu đồng bộ, còn chung chung trong chính sách nông nghiệp, thiếu tập trung nguồn lực và nặng về cơ chế xử lý, tình huống xử lý.
Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phản ánh, giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con tỉnh này vô cùng khó khăn. Từ diện tích hơn 4.500ha mía, nay giảm xuống còn 3.500ha; sau khi trừ đi chi phí, bà con nông dân đang phải bù lỗ.
"Bà con nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ phải cầm cố đất đai. Thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía vì càng đầu tư càng lỗ, chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng cũng không hề dễ dàng. Có thể nói, nghề trồng mía trở thành nghề truyền thống "cha truyền con nối", bà con nông dân làm giàu từ cây mía nhưng giờ trở thành hộ tái nghèo", đại biểu Bình cho biết.
Mặt khác, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Sơn La, Chủ tịch HĐQT CTCP Đường Kon Tum, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Mía đường Tuy Hòa, bày tỏ lo ngại về việc đường Việt Nam đang phải gồng mình cạnh tranh thiếu công bằng với đường nhập lậu từ Thái Lan.
Ông Anh cho rằng giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của đường Thái Lan dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.
"Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 2 năm vừa qua. Việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn, trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế", ông Anh nói.
Ông Anh tự tin khẳng định, hiện với quy mô sản xuất nông hộ nhưng ngành mía đường Việt Nam vẫn đạt năng suất 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Trong khi đó, Thái Lan có điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía… nhưng mới chỉ đạt được 72 – 75 tấn/ ha. Nếu được hội nhập một cách công bằng, DN đường Việt Nam sẽ "đuổi" được đường Thái Lan về nước.
Tuy nhiên, ông Anh cho rằng hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại từ Thái Lan thời điểm này sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tử địa. Các hộ nông dân trồng mía, DN chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải xem xét tạo điều kiện 5 năm cho các nhà máy đường Việt Nam cùng nông dân khôi phục lại vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất và an sinh xã hội địa phương, tái cân bằng vị thế với Thái Lan.
Lộ trình sau 5 năm nữa sẽ thực thi ATIGA trên cơ sở tái đàm phán với Thái Lan về hạn ngạch và mức thuế nhập khẩu 20-25% như các nước Indonesia và Philippines đã làm. Hiện nay, cả Indonesia và Philippines đã thực thi ATIGA nhưng đều khống chế hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu 5% và 10%.
"5 năm là khoảng thời gian để khôi phục cây mía, đảm bảo sinh kế cho nông dân, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của ATIAGA cũng như tính toán mức thuế và hạn ngạch khi thực thi", ông Anh nhấn mạnh.
Ngành mía đường sắp bước vào "cửa tử" ATIGA |
Trước hết phải tự cứu
Trước đề xuất của DN, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN.
Đến 1/1/2020, nếu tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao Việt Nam sẽ bị trừng phạt thương mại. Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm, vi phạm lại, trong 90 ngày, các nước sẽ trả đũa ngay theo quy định ở Hiệp định.
Trước thực tế trên, Ts.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng trong 6 tháng tới, tinh thần chung của ngành mía đường là phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại.
"Chậm nhất 3 tháng tới, chúng ta phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì nhập khẩu theo hạn ngạch hay do nhập lậu?", ông Thành nêu vấn đề.
Trong khi đó, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng đổi mới ngành mía đường là bước tiến rất quan trọng đối với ngành này nếu muốn tồn tại.
Tuy nhiên, về phía Nhà nước, hiện đang tồn tại thực tế chính sách đưa ra thì tốt nhưng thực hiện rất chậm. Đặc biệt cần phải có cơ chế đẩy mạnh việc thành lập các HTX. Nhiều nông dân không có HTX nên đã gặp rất nhiều khó khăn cả đầu vào và đầu ra của sản xuất.
Đồng thời, các nước trên thế giới thành công dựa nhiều vào hiệp hội ngành hàng – nơi DN, Nhà nước, nông dân cùng tham gia, vì vậy cần phải phát huy vai trò của mô hình này.
Theo PGs.Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Chuyện của chúng ta từ trước đến nay là cứ phải rơi vào bẫy rồi mới bàn để tìm giải pháp. Ngành mía đường cũng tương tự, chỉ còn 6 tháng nữa mới lôi ra mổ xẻ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không bàn mà vẫn phải làm, phải tìm giải pháp".
Ông Thiên cho rằng cần phải nhìn nhận từ năng lực của ngành cho tới đối thủ cạnh tranh hiện nay. Về năng lực, cần xác định được năng lực cạnh tranh của mình đang ở đâu so với đối thủ cạnh tranh. Nếu năng lực của ngành thấp, có nên tiếp tục làm mía đường hay không, nếu không mang lại thu nhập cho người nông dân như kỳ vọng thì phải rút người nông dân ra…
"Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại công việc cho người nông dân. Nếu bây giờ mở cửa hội nhập, với 1 triệu tấn, chúng ta phải tính xem cần bao nhiêu diện tích là phù hợp. Nhà máy nào sống được, nhà máy nào không làm được. Ngoài ra, chúng ta còn phải tập trung tái cơ cấu theo hướng mở rộng như thế nào để tăng hiệu quả", ông Thiên nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch CTCP Mía đường MK Thời gian qua, đường nhập lậu ồ ạt, tràn lan vào nước ta do thiếu sự kiểm soát khiến giá mía giảm. Nếu nông dân của chúng ta có điều kiện, được hỗ trợ như nông dân Philippines và Indonesia… thì chúng ta cứ hội nhập. Còn không, ngành mía đường của chúng ta sẽ "chết" ngay lập tức. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Chính phủ cần có đánh giá đúng về vị trí của ngành mía đường trong nền kinh tế nói chung, trong kinh tế nông nghiệp nói riêng để từ đó có cơ chế, chính sách tương ứng, phù hợp tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường phát triển, đủ sức cạnh tranh và hội nhập các thị trường trong nước và thế giới. Đây cũng là nguyện vọng đề xuất của đông đảo cử tri, những người yêu cây mía, gắn bó với cây mía bao lâu nay và các DN mía đường gửi đến Quốc hội. Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Cần phải cơ cấu theo hướng vùng nguyên liệu nào, DN nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển; vùng nguyên liệu, DN nào cần phải chuyển đổi mô hình phát triển. Đổi mới dựa trên nguyên tắc giải quyết khó khăn của nông dân, cứu nông dân trước, rồi hỗ trợ DN. Về dài hạn, Nhà nước phải làm tròn vai của mình, đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. |