Theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%.
Trì hoãn ATIGA
Tuy vậy, trước thực trạng cung đường tăng cao, lượng đường ồ ạt nhập lậu tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ ngành đường, cùng với đó là sinh kế của hàng vạn hộ nông dân và người lao động, Chính phủ đã đồng ý cho ngành mía đường giãn thời hạn áp dụng Hiệp định ATIGA thêm hai năm, tức là có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Thời gian này được xem là cơ hội vàng để ngành mía đường Việt Nam lớn mạnh, song xem ra kết quả đến nay đang đi ngược lại với mong đợi khi mà ngành này vẫn rơi vào tình cảnh bết bát.
Trong một văn bản gửi Bộ NN&PTNT mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết ngành mía đường đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Đặc biệt, niên vụ 2018/2019 là năm thứ ba liên tiếp ngành này chịu tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước.
Hiện, tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước nhiều và còn tồn khoảng 75%. Giá đường dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.
Trong khi đó, năng suất, sản lượng mía đường đang giảm nghiêm trọng, nhất là các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất, sản lượng mía đường các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên giảm tương ứng là 13%, 22% và 23%.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho rằng nguyên nhân là do đường lậu đang trở lại và phức tạp hơn sau dịp Tết. Chưa bao giờ đường lậu bán công khai, thách thức cơ quan chức năng như bây giờ. Lượng đường lậu vào Việt Nam khoảng 500.000 tấn mỗi năm nhưng cũng có nhận định lên tới cả triệu tấn, bởi Thái Lan đã xây dựng hàng loạt các kho hàng ém sát biên giới.
Đồng thời, thuế nhập khẩu đường lỏng (HFCS) – dạng đường hóa học tiếp tục gia tăng. Năm 2014, cả nước chỉ nhập khẩu 46.000 tấn nhưng đến năm 2018 đã lên khoảng 140.000 tấn, tăng hơn ba lần.
Ngoài ra, ngành mía đường đang đối diện việc thiếu hụt vốn lưu động, do các ngân hàng thắt chặt cho vay. Nhiều nhà máy, công ty không có tiền để thanh toán mía nguyên liệu cho nông dân.
"Nhiều nhà máy đã bị thua lỗ nặng, có nguy cơ đóng cửa do liên tục trong ba vụ kinh doanh tiêu thụ khó khăn và giá đường thấp", ông Doanh cho biết.
Trước tình hình trên, VSSA đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan 3 – 5 năm (tức là tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường có hiệu lực từ ngày 1/1/2020).
Ngoài ra, VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12%, bởi đường lỏng đang không áp dụng hạn ngạch thuế quan và thuế suất áp dụng trong các nước ASEAN là 0%.
Trước kiến nghị của VSSA, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến 1/1/2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương đối với ngành mía đường.
Vì vậy, thời điểm 1/1/2020 dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm, các doanh nghiệp (DN) mía đường cần phải có các phương án sản xuất kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới.
Ngành mía đường đang rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn |
Có nên tiếp tục bảo hộ?
Theo các chuyên gia, khó khăn của ngành mía đường xuất phát từ chính nội tại của ngành này. Việt Nam là nước có chi phí sản xuất đường cao nhất so với các quốc gia sản xuất khác trên thế giới (cao hơn 45% so với Thái Lan và 72% so với Brazil).
Nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chi phí sản xuất cao, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không cơ giới hoá.
Hơn nữa, ngành đường vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm cốt lõi là đường mà chưa phát triển được các sản phẩm phụ khác như điện sinh khối, mật rỉ, cồn…
Hiện tại có hơn 30 nhà máy đường ở Việt Nam sử dụng sinh khối để sản xuất điện và nhiệt với tổng công suất khoảng 352 MW. Trong số đó, chỉ có 4 nhà máy phát điện lên lưới với tổng công suất là 82,51 MW (22,4%), bán được 15% sản lượng điện được tạo ra từ sinh khối lên lưới với mức giá 5,8 US cents/kWh.
Trong khi đó, sản xuất điện sinh khối giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả và giảm phế thải.
Ngoài ra, giải pháp này cũng đem lại thêm thu nhập cho người nông dân và nguồn thu thuế bổ sung cho chính quyền địa phương, từ đó làm tăng giá trị của sinh khối và góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và kinh tế Việt Nam.
Bình luận về câu chuyện có nên tiếp tục "giải cứu" ngành mía đường, ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, thời gian qua, Việt Nam đặc biệt ưu tiên ngành mía đường.
Ngay khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), Nhà nước cũng không mở cửa thị trường này, thậm chí còn có quy định các siêu thị ngoại không được phép bán đường ngoại, siết nhập khẩu đường bằng các điều khoản khắt khe.
Các biện pháp đề ra này nhằm hỗ trợ cho ngành mía đường của Việt Nam có cơ hội vươn lên, có thời gian nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, ngành mía đường đã không tận dụng cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh, thay vào đó lại chủ yếu trông vào bảo trợ.
"Sự ỷ lại này thể hiện rõ ràng khi 10 năm qua, ngành mía đường luôn luôn kêu cứu, kêu không được phép cho nhập khẩu, rằng nhập khẩu nhiều sẽ giết chết họ", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng nguyên nhân là do chỉ một vài DN tự đầu tư công nghệ mới, có cách làm khác để hạ giá thành sản xuất đường, còn lại đa phần sử dụng công nghệ lạc hậu. Vì vậy, cần nhanh chóng chấm dứt bảo hộ ngành mía đường, bởi càng bảo hộ càng bị lún sâu vào yếu kém, thiếu sức cạnh tranh.
"Nếu lùi thời hạn thoả thuận tại Hiệp định ATIGA sau năm 2020, cứ lùi lại mãi như thế không biết bao giờ ngành mía đường mới khá?", ông Thắng đặt vấn đề.
Theo chuyên gia này, đã đến lúc ngành mía đường cần "thức tỉnh" để DN không thể sống nhờ vào cứu hộ, mà hãy hành động để nâng cao sức cạnh tranh. Ngành mía đường cần phải đặt mình trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Giai đoạn đầu khó khăn, thậm chí một số cơ sở phá sản nhưng ngành mía đường Việt Nam không chết mà lúc đó sẽ có sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, ngành mía đường muốn tồn tại cần phải liên kết chặt chẽ với người nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành đường không chỉ đơn giản là hạt đường mà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác. Đơn cử như bã mía không chỉ để làm nguyên liệu phát điện mà có thể làm giá thể trồng nấm, rồi làm phân bón hữu cơ, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế có khi còn cao hơn rất nhiều giá trị từ hạt đường. Để nâng cao sức cạnh tranh, ngành mía đường phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm. Ông Trần Đức Triều - Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Hiện nay, nông dân vẫn canh tác nhỏ lẻ nên nhà máy mong đợi nhất là việc quy hoạch vùng nguyên liệu và chính sách dồn điền đổi thửa được thực hiện. Khi đó, nhà máy mới có điều kiện đầu tư cơ giới hóa vùng nguyên liệu. Năng suất mía tăng lên và giá thành giảm xuống thì thu nhập người trồng mía sẽ tốt hơn. PGs.Ts. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại So sánh chính sách phát triển mía đường của Việt Nam với Thái Lan, rõ ràng chính sách Việt Nam ưu ái rất nhiều cho ngành mía đường, tuy nhiên, chính điều này lại khiến các DN mía đường ngày càng ỷ lại. Trong khi đó, chính sách của Thái Lan đặt DN phải đối mặt cạnh tranh quốc tế, vì vậy ngành mía đường của họ ngày càng tốt lên và có sức cạnh tranh rõ rệt hơn chúng ta. |