Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit nhận định, việc Tp.HCM sẽ mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội là điều mà các DN rất vui mừng, nhưng cũng là một nỗi lo.
Trông chờ thị trường “bùng nổ”
Bởi lẽ, như chia sẻ của ông Viên, qua các đợt giãn cách xã hội làm cho tất cả các DN đều gặp trở ngại, đứt gãy từ sản phẩm tự sản xuất cho tới những sản phẩm phải tương tác với những nhà cung cấp khác.
Các DN sản xuất có chung tâm trạng nửa mừng, nửa lo khi vùng “tâm dịch” Tp.HCM mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế trong thời gian tới. |
Vị tổng giám đốc này dự báo thời gian tới, nhu cầu của thị trường trong nước cũng như ngoài nước sẽ tăng vọt nếu việc mở cửa trở lại tương đối thoải mái hơn. Có nghĩa là việc đi lại của mọi người nếu đáp ứng được yêu cầu “Thẻ xanh Covid-19” thì thị trường sẽ “bùng nổ”.
“Nhu cầu của người tiêu dùng cần phải thoả mãn sau quãng thời gian dài dồn nén do giãn cách xã hội là rất lớn. Chắc chắn tình hình thị trường bán lẻ thời gian tới sẽ tăng. Rồi sau đó, thị trường sẽ ổn định như thế nào lại là vấn đề khác”, ông Viên nói.
Qua ghi nhận của VnBusiness trong những ngày cuối tháng 9, nhiều chủ DN ở vùng “tâm dịch” Tp.HCM đang háo hức trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh vào tháng 10 tới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc một DN nhỏ và vừa ở quận 12 cho biết, việc giãn cách quá lâu làm cho nguồn lực của DN trống rỗng. Ngay lúc này, DN rất nóng lòng chờ chính quyền Tp.HCM mở cửa trở lại một cách an toàn các hoạt động kinh tế để sớm tăng “sức đề kháng” cho DN.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, với sự diễn biến phức tạp của Covid-19, khả năng để mọi thứ trở về hoàn toàn như bình thường là điều gần như không thể. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong giai đoạn tới cũng cần xác định rõ chuyện này.
Để mở cửa trở lại, UBND Tp.HCM đang xây dựng một chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội từ ngày 1/10/2021.
Trong dự thảo Chỉ thị, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có “Thẻ xanh Covid-19” được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực.
Dựa trên tình hình thực tế của DN, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh, cho biết, công ty có 3 nhà máy ở Tp.HCM, Bình Dương, Long An. Dù tỉnh, thành phố này nằm sát nhau nhưng khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” (từ ngày 13/7 cho đến nay) lại vấp phải nhiều quy định riêng ở từng địa phương.
Phục hồi với chuỗi cung ứng gián đoạn
Qua theo dõi quá trình hoạt động tại các nhà máy theo “3 tại chỗ”, ông Ngân cho rằng cần quan tâm đến vấn đề tâm lý dao động của người lao động. DN vẫn đang chờ đợi chiến lược cho sản xuất, phục hồi kinh tế của Chính phủ và tại các địa phương nêu trên.
Theo ông Ngân, thời gian tới, việc thích ứng hành xử với ca nhiễm “F0” mới phát sinh trong các nhà máy cũng sẽ khác đi, có thể chấp nhận một cách đơn giản, hợp lý hơn, thay vì trước đây một ca nghi nhiễm là đóng cửa cả nhà máy. Điều mà các DN đang quan tâm là làm sao để huy động được nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Như bày tỏ của nhiều chủ DN, một khi đã xác định sống chung với đại dịch thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng theo hướng đó. Tức là tổ chức sản xuất trong điều kiện an toàn nhất có thể, không ngừng sản xuất vì một số ca “F0”. Đây là điều giúp các DN thích nghi một cách tự tin hơn.
Trước việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, việc gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn là nỗi lo thường trực của DN trong lúc này. Nhất là việc thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất, nguy cơ tiếp diễn ngừng sản xuất, khó khăn trong vận chuyển, giao hàng, áp lực chi phí và lợi nhuận, vấn đề về dòng tiền, chất lượng sản phẩm, chênh lệch cung - cầu…
Đây là những vấn đề mà DN đang cần được giải quyết tại vùng “tâm dịch” Tp.HCM. Nhiều DN băn khoăn là sẽ ứng biến với “bình thường mới” như thế nào khi gián đoạn chuỗi cung ứng còn tiếp diễn?
Trước mắt, giới chuyên gia cho rằng, các DN cần xây dựng khả năng phục hồi với chuỗi cung ứng gián đoạn. Theo đó, các DN cần áp dụng chuỗi cung ứng gián đoạn để có thể dễ dàng đưa ra các quyết định triển khai để góp phần hạn chế chi phí và cân bằng rủi ro ngay lập tức, đồng thời đảm bảo khả năng phục hồi hậu đại dịch.
Nhất là trong ngắn hạn, vào 3 tháng cuối năm 2021 và năm 2022, các DN cần xác định việc phục hồi sản xuất kinh doanh là con đường dài, từ tính liên tục trong hoạt động sản xuất, sự gián đoạn của nhà cung cấp, thiếu nguyên liệu thô cho đến tình hình tài chính và lực lượng lao động.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) nhấn mạnh, để giảm bớt thiệt hại, rủi ro khi mở cửa trở lại thì đây là lúc mà các DN đang rất cần tận dụng năng lực quản lý của Nhà nước cũng như khả năng quản trị của bản thân DN.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.