Anh Lê Hoàng Hải, giám đốc một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) ở quận Tân Bình (Tp.HCM), cho biết với tác động cực kỳ nặng nề do dịch Covid-19 đợt 4 gây ra ở các tỉnh phía Nam đã làm cho các DN vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ này đối mặt với tương lai mờ mịt.
Bài toán thay đổi trạng thái “đóng băng”
Để “sống chung” với đại dịch, theo anh Hải, các DN dịch vụ ăn uống đang “đau đầu” với bài toán cân đo đong đếm giữa việc phải rút giảm số lượng cửa hàng và mặt hàng cần bán ra so với trước đây khi nhìn vào viễn cảnh khó từ cung cho đến cầu.
Tác động của dịch Covid-19 đợt 4 làm thay đổi rõ nét trong thói quen của người tiêu dùng, đòi hỏi các DN ngành F&B cần thích ứng tốt hơn. |
Vị giám đốc này cho rằng để các ngành dịch vụ hồi phục trong thời gian tới đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí. Nhất là khi dịch Covid-19 lần này chưa thể được đẩy lùi hết hẳn, đầy rẫy những rủi ro làm cho các DN trở nên dè dặt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Để cầm cự trong các tháng tới thì các DN vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống có lẽ chỉ bán hàng trực tuyến (online), tái cấu trúc lại hệ thống cửa hàng ở những địa bàn trọng điểm và phải tái cấu trúc về nhân sự, mức lương, chi phí... với điều kiện là họ phải có được gói vay ưu đãi”, anh Hải chia sẻ.
Có thể nói, để thay đổi trạng thái “đóng băng” của nhiều DN trong ngành dịch vụ ăn uống sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 là cả bài toán cực kỳ khó.
Hơn nữa, do tác động của dịch Covid-19 đợt 4 đã làm thay đổi cấu trúc ngành dịch vụ ăn uống. Theo đó, các DN vừa và nhỏ đã phải nhường phần lớn thị phần cho các công ty lớn trong ngành.
Theo chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán SSI, điều dễ nhận thấy nhất chính là kênh thương mại hiện đại (siêu thị, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử) đã tăng trưởng mạnh mẽ do các biện pháp giãn cách xã hội và cần duy trì đà phát triển sau đại dịch.
Giả định rằng Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022 và mở cửa trở lại tất cả các hoạt động dịch vụ, giới phân tích kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi. Đại dịch cũng đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại.
Ngoài ra, tại một cuộc hội thảo trực tuyến mới đây để bàn về hướng đi cho ngành hàng F&B giữa tác động của dịch Covid-19, các DN đã bày tỏ mối quan tâm nhiều hơn về những thay đổi ngày càng rõ nét trong thói quen của người tiêu dùng.
Nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đợt 4 đã thúc đẩy thị trường tiêu dùng trực tuyến gia tăng mạnh mẽ. Do đó, để tìm “chìa khóa” cạnh tranh và thích ứng với tình hình mới thì buộc các DN trong ngành F&B phải nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Đi cùng với ngành dịch vụ ăn uống thì các ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn trong thời gian tới sẽ hồi phục, mở cửa trở lại như thế nào cũng là một dấu hỏi lớn. Ts. Nuno F. Ribeiro, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn thuộc Đại học RMIT, đã đề xuất cách tiếp cận “chậm mà chắc” cho kế hoạch tái khởi động ngành dịch vụ này trong thời gian tới.
Tại thời điểm hiện tại, theo Ts. Ribeiro, tốt hơn hết vẫn nên cẩn thận và chậm rãi mở cửa trở lại, thay vì vội vã để phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.
Vị chuyên gia của RMIT cho rằng, nếu có thể đảm bảo phối hợp tốt giữa Chính phủ và tất cả các bên liên quan trong ngành, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn và sức khỏe cần thiết, thì năm 2022 sẽ là “ánh sáng cuối đường hầm” cho ngành du lịch Việt Nam.
Điều này cho thấy, khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho ngành khách sạn là vô cùng cần thiết, có thể dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp tiền điện nước, giảm nợ và hỗ trợ nhân viên.
“Một điều cực kỳ quan trọng là dịch vụ logistics phải tốt, và chuỗi cung ứng du lịch và khách sạn không được gián đoạn, vì nguyên liệu, vật tư, thực phẩm và đồ uống, bộ đồ dùng trong các phòng lưu trú... là những thứ thiết yếu để ngành khách sạn có thể hoạt động tối ưu. Thiếu chuỗi cung ứng chuẩn mạnh, bất kỳ nỗ lực mở cửa trở lại nào cũng sẽ gặp khó khăn”, Ts. Ribeiro nhấn mạnh.
Không những vậy, rất cần đối thoại và hợp tác cởi mở cũng như trung thực giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch.
Các bên liên quan phải kể đến gồm Chính phủ, các hãng hàng không, chủ sở hữu và người điều hành các khách sạn, các đại lý du lịch và công ty lữ hành, các ban cố vấn, và các đơn vị quảng bá du lịch. Toàn bộ những người này đều phải tham gia vào quá trình mở cửa lại ngay từ đầu và được phép đưa ra ý kiến của mình.
Trước thông tin Việt Nam sẽ thí điểm mở cửa lại đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế, Ts. Ribeiro cho rằng đây là địa phương rất phù hợp để thí điểm mở cửa du lịch vì các khu vực đảo thường dễ kiểm soát hơn.
“Phú Quốc cũng có cơ sở hạ tầng y tế tốt và là điểm đến được du khách quốc tế ưa chuộng. Nếu kế hoạch thí điểm này thành công, từ giữa đến cuối năm sau, Việt Nam có thể thăm dò mở cửa cục bộ trở lại đối với một số địa phương và tỉnh thành khác”, ông nói.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.