Tại một buổi kết nối trực tuyến mới đây giữa 20 doanh nghiệp (DN) Việt trong lĩnh vực nông sản với 50 DN tại Ấn Độ, đã có những đơn hàng xuất khẩu (XK) mới được mở ra cho các DN Việt.
Những tín hiệu tích cực
Ông Hồ Võ Tấn Vương, Phó giám đốc Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (An Giang) cho biết, qua làm việc với đối tác Ấn Độ, họ nói về số lượng đơn hàng lớn cho các DN trong ngành hàng nông sản ở Việt Nam.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu quốc tế vẫn dành sự quan tâm lớn đến các mặt hàng nông sản chế biến có giá trị gia tăng cao của Việt Nam. |
Không những vậy, theo ông Vương, đối tác Ấn Độ còn muốn kết nối các DN Việt với những thị trường khác. Phía đối tác cho biết họ sẽ đứng ra bán những sản phẩm gạo từ Việt Nam.
Rõ ràng, việc có được những đơn hàng XK nông sản mới qua các buổi kết nối trực tuyến như vậy là điều thành công cho các DN Việt khi mà tình hình dịch bệnh trong những tháng gần đây làm cho nhiều DN điêu đứng.
Theo giới chuyên gia, để XK nông sản của Việt Nam ứng phó tốt với những rủi ro của dịch Covid-19 như hiện nay thì các DN cần có nhiều hoạt động trong việc tìm kiếm đơn hàng, phục hồi sản xuất và gia tăng giá trị cho ngành hàng nông sản.
Hơn thế nữa, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, giá lại cao và những đánh giá “có cánh” đối với mặt hàng nông sản Việt ở một số thị trường chủ lực vừa là điều may mắn vừa là cơ hội cho XK nông sản trong lúc này để vượt qua những thách thức từ dịch bệnh.
Chẳng hạn như ở Australia, ghi nhận gần đây cho thấy “sắc đỏ” của trái thanh long Việt đang phủ tại nhiều siêu thị ở thị trường này. Thậm chí người tiêu dùng ở đây còn đánh giá trái thanh long Việt xếp loại 5 sao.
Như nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Australia, chắc chắn thanh long Việt Nam sẽ có một năm thành công lớn ở thị trường này khi tốc độ tăng trưởng đã nói lên giá trị của loại trái cây XK chủ lực của Việt Nam..
Điều này được cho là nhờ các hoạt động quảng bá mạnh của phía thương vụ trong năm 2020 và liên tục trong năm 2021 này. Qua đó giúp cho kim ngạch XK thanh long Việt sang Australia hiện đang tăng trưởng mạnh.
Không những vậy, bất chấp dịch Covid-19 đang gây nhiều thách thức tại Việt Nam đồng thời nhiều thành phố tại Australia bị phong tỏa, các mặt hàng nông sản tươi Việt Nam gồm thanh long, nhãn, sầu riêng (đông lạnh), gạo, chè, vải sấy khô, gừng… vẫn đang được bày bán sôi động tại Australia.
Đó cũng là điều khích lệ cho hoạt động XK nông sản trong thời gian qua nhằm duy trì đà tăng trưởng trong 3 tháng còn lại của năm 2021. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các DN xuất khẩu nông sản, từ hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến.
Tận dụng mức giá cao
Trước những thách thức như trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, cho biết nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện đang rất lớn.
Để phục hồi sản xuất và thúc đẩy XK trong các tháng còn lại của năm 2021, ông Tùng cho biết phía DN này dự kiến thời gian tới sẽ tăng công suất lên 30% để đáp ứng nhu cầu, với mục tiêu xuất mỗi tháng 60 container mặt hàng nông sản thay vì chỉ 40 container mỗi tháng như hiện nay.
Tuy vậy, những rủi ro với XK nông sản giữa mùa dịch bệnh vẫn đang ám ảnh các DN. Đó là tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên. Chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, EU đã tăng từ 2 đến 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh.
Chính điều này đã làm cho không ít mặt hàng nông sản chủ lực sụt giảm sản lượng XK. Bù lại, điều may mắn là giá trị XK của những mặt hàng này lại tăng cao so với thời gian trước đó.
Điển hình như XK cao su hồi tháng 8/2021 vừa qua, tuy giảm 14,9% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su XK thời gian gần đây bình quân ở mức 1.641 USD/tấn, đã tăng 33,3% so với cách đây một năm.
Đây là điều an ủi cho các DN trong ngành cao su vốn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 buộc phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng.
Những dự báo cho thấy tín hiệu khả quan cho việc XK cao su trong thời gian tới. Đơn cử như thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11/2021. Nhu cầu cũng được cho là sẽ tăng cao ở thị trường Mỹ. Giá trị XK cao su của Việt Nam vào Mỹ trong những tháng gần đây đã tăng 92,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn với XK cà phê, tuy tháng 8/2021 vừa rồi là tháng 5 liên tiếp sụt giảm về sản lượng, nhưng bù lại đã tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm rồi. Giá XK bình quân cà phê của Việt Nam hiện được đánh giá là khá tốt khi đạt 1.864 USD/tấn, tăng 8,9% so với cách đây một năm.
Theo Ts. Abel Alonso, chuyên gia kinh tế đại học RMIT, việc ứng phó với khủng hoảng hiện nay bằng các nỗ lực và hoạt động gia tăng giá trị là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành cà phê Việt.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.