Bài toán khó được đặt ra là làm thế nào nhằm giảm nhập siêu từ Thái Lan thông qua việc gia tăng xuất khẩu (XK), hàng Việt có thể đứng chân trên thị trường này.
Để giải được bài toán đó, theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) Việt cần học hỏi cách làm từ người Thái, chẳng hạn như lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm.
Đưa công nghệ vào sản phẩm
Đơn cử với nguyên liệu trái dừa vốn rất đỗi quen thuộc tại Việt Nam, chuyên gia thị trường Nguyễn Duy Long cho biết ông rất ấn tượng với cách thức các DN Thái sản xuất ra bánh snack từ dừa.
Sản phẩm này không có độ ngọt như mứt dừa của Việt Nam và xốp hơn nhiều, nhưng lại rất ngon, rất dễ ăn. Hay như việc họ chế biến ra sản phẩm yaourt cực kỳ độc đáo từ nước cốt dừa chứ không phải từ sữa bò như thông thường.
Theo ông Long, điểm thu hút ở sản phẩm thực phẩm Thái Lan là việc các DN dùng công nghệ để chế biến ra các sản phẩm mới lạ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng (NTD) về mặt sức khỏe, thời gian và có hình thức bắt mắt.
DN Thái đã chuyển đổi từ sản phẩm đại trà (mass product) sang sản phẩm sáng tạo (innovative product) thông qua công nghệ và nắm bắt xu hướng.
"Từ hai sản phẩm có nguyên liệu từ dừa này, tôi thấy rằng các DN Thái đã đưa công nghệ vào những sản phẩm truyền thống để đưa giá trị lên. Điều đó cho thấy họ rất nỗ lực", ông Long chia sẻ.
Điều này phần nào lý giải hàng thực phẩm Thái Lan dễ dàng xâm nhập vào thị trường Việt, được NTD đón nhận, với sự "tiếp sức" từ kênh phân phối bán lẻ quy mô lớn mà các "đại gia" Thái đang chi phối.
Hàng thực phẩm Thái hiện mới chỉ chiếm phần nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là bài học trong cách thức nắm bắt các xu hướng của DN Thái để các DN Việt tham khảo nhằm nâng sức cạnh tranh với hàng hóa nước này đang trên đà nhập siêu.
Trên thực tế, hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam nhiều nhất là các mặt hàng thuộc nhóm điện gia dụng và linh kiện; nguyên liệu nhựa; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; rau quả; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; ô tô nguyên chiếc…
Dòng chảy hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam được cho là vẫn không ngừng gia tăng. Qua tính toán mới đây, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Thái Lan tới hơn 3,82 tỷ USD (tính đến hết tháng 8/2018), tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Chỉ tính riêng số liệu nhập khẩu từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm nay cho thấy rõ điều này khi đạt tới 7,54 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đưa công nghệ vào sản phẩm nông sản là điều mà DN Việt nên học hỏi |
Tăng lợi thế so sánh
Có nhiều nguyên nhân được nêu ra để lý giải cho việc gia tăng nhập siêu này, như việc các "đại gia" Thái đang thâu tóm các kênh phân phối bán lẻ lớn ở Việt Nam, do dòng chảy đầu tư của nhiều DN Thái hoặc do tác động từ lộ trình cắt giảm thuế quan sau khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Mặt khác, còn do Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị, nguyên vật liệu thiết yếu từ Thái Lan để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, việc XK hàng Việt sang Thái Lan vẫn còn hạn chế.
Hiện nay, XK nhiều nhất của Việt Nam vào thị trường Thái là các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; dầu thô; than đá; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc thiết bị; hàng thủy sản; sản phẩm từ sắt thép.
Giới chuyên gia lưu ý với cơ cấu XK của Việt Nam khá tương đồng so với Thái Lan lại là rào cản để hàng Việt Nam bước sang thị trường này. Riêng với ngành hàng nông sản thực phẩm, để các DN Việt có thể gia tăng XK vào Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cần phải tăng hàm lượng về công nghệ, đưa sức mạnh công nghệ vào các sản phẩm.
Ở góc độ DN, bà Đặng Thị Diễm Thúy, Phụ trách mảng kinh doanh nội địa, CTCP Vinamit, cho biết những mặt hàng truyền thống trước đây của công ty như mít sấy, mít khô hay các sản phẩm sấy dẻo, trong đó xoài sấy dẻo là mặt hàng phổ biến ở Việt Nam nhưng qua Thái Lan rất khó cạnh tranh với DN Thái.
Vì vậy, để tiếp cận thị trường này, Vinamit đã chú trọng những sản phẩm mới phát triển như gạo organic, xoài organic, chuối organic… Ngoài ra, một sản phẩm đặc biệt là sữa chua sấy có tổng cộng 16 vị để giới thiệu đến NTD Thái Lan.
Theo giới chuyên gia, một khi muốn vào sâu thị trường Thái, các DN Việt nên tìm hiểu rõ đối thủ cạnh tranh của mình là ai, như thế nào, mạnh ở đâu… nhằm có chiến lược thâm nhập tốt.
Mặt khác, nhằm tăng lợi thế so sánh với Thái Lan khi XK vào nước này đòi hỏi các DN Việt cần thay đổi cơ cấu ngành hàng, chú trọng vào XK mặt hàng có giá trị gia tăng như: thủy sản chế biến, hàng điện tử và sản phẩm cơ khí, linh kiện điện thoại…
Đặc biệt quan trọng là bên cạnh việc thiết lập kênh phân phối, các DN Việt cần chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu tại thị trường Thái Lan.
Thế Vinh