Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 với chủ đề: Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung, diễn ra sáng 4/7.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 |
Hiện nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản đang gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Mỹ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng đối với hải sản Việt Nam.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng việc tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTA là một trong những giải pháp để xuất khẩu của Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề xuất Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay) để Hiệp định sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định, cả từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là cam kết về thể chế và hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ) để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội của CPTPP ngay khi hiệp định này có hiệu lực.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU càng sớm càng tốt, cố gắng cùng với các đối tác hoàn tất rà soát pháp lý đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư để tiến tới ký kết, phê chuẩn.
Cùng với đó, thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA khác. Các FTA đang mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng xu hướng nhập siêu đang ngày càng gia tăng với các thị trường đang có FTA cho thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ các FTA như các đối tác thương mại của mình. Điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn để hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTA, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu. Đó là yêu cầu rất cấp bách.
Lê Thúy