Lâu nay, nhiều hàng hoá Việt Nam có chất lượng tốt nhưng "từ tốt đến thúc đẩy người tiêu dùng trong nước sử dụng" là câu chuyện rất dài.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt may, với dung lượng thị trường ước tính từ 5 - 6 tỷ USD. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nhiều DN dệt may lâu nay đã hướng tới thị trường nội địa, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Hàng Việt đổi mới để cạnh tranh sòng phẳng tại thị trường trong nước |
Ngành dệt may đã đưa ra nhiều giải pháp chinh phục người Việt, như: tổ chức hội chợ, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu với mẫu mã phong phú...
Tuy vậy, ông Cẩm cũng chỉ ra nhiều khó khăn khi DN phát triển thị trường nội địa. Trước hết là khi làm hàng xuất khẩu, DN không phải lo mẫu mã, thiết kế, nguồn nguyên liệu, chỗ bán hàng, bởi tất cả việc này do khách hàng nước ngoài thực hiện. Trong khi đó, nếu xác định phát triển thị trường nội địa, các DN phải làm tất cả. Chưa kể, DN còn đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, giả mạo chính thương hiệu của DN Việt Nam.
Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.
Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của DN trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm từ 60 - 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.
Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, sắp tới, hàng Việt sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập về chất lượng, mẫu mã... Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Riêng với Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực vào ngày 1/8, những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của EU được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường 100 triệu dân Việt Nam, vì thế gia tăng áp lực cạnh tranh giữa DN và hàng hóa Việt Nam với các DN phân phối, sản xuất lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa hóa phong phú, dồi dào.
Trong khi đó, hệ thống phân phối hàng Việt vẫn còn tồn tại một số bất cập, hệ thống hạ tầng thương mại xuống cấp, khu vực nông thôn, miền núi còn thưa thớt, còn kẽ hở cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng..., chưa thu hút hàng hóa Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu tham gia vào phân khúc này.
Không để DN tự "bươn chải"
Hiện nay, ngành dệt may đang phát triển theo 2 cách, một là vươn ra thị trường thế giới để khai thác tốt FTA, đồng thời nỗ lực chinh phục thị trường nội địa. Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm cho rằng cần có giải pháp để giúp các DN chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Trong đó, về quản lý thị trường, cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tránh để hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả làm cho DN khó khăn hơn, người dân bị nhập nhèm giữa hàng tốt và hàng xấu. Đồng thời, cần cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường nội địa.
Hiện nay, nguyên liệu dùng để sản xuất hàng may mặc bán ở thị trường trong nước đang phải chịu thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, DN dệt may mong muốn Nhà nước giảm thuế, hoặc miễn thuế nguyên liệu sản xuất hàng may mặc trong nước giống như làm hàng xuất khẩu.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp vừa không vi phạm cam kết mở cửa trong FTA nhưng vẫn đảm bảo đồng hành, hỗ trợ cùng DN.
"Nếu để các DN tự bươn chải trong thời gian tới, tôi nghĩ là rất khó khăn", bà Lan nói. Do vậy, cơ chế chính sách, quy định quản lý, hệ thống phân phối, hỗ trợ cho DN phát triển thế nào vẫn là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi một địa phương phải có giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương mình, thu hút được nhiều DN tham gia vào phát triển thị trường nội địa.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Vicommerce (quản lý chuỗi siêu thị Vinmart), nhìn nhận thị trường nội địa bây giờ là "sân chơi" chung, sòng phẳng cho cả hàng ngoại và hàng nội. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt rất quan trọng. DN cần tập trung đầu tư nhiều hơn khâu nghiên cứu sản phẩm, tạo ra nhiều khác biệt trong mắt người dùng. Cùng với đó, những người chủ DN cần chuyển đổi tâm thế từ một nhà sản xuất sang người làm thương mại.
"Chuỗi phân phối có thể ủng hộ hàng Việt, nhưng DN sản xuất sẽ ở tâm thế bị động, vì vậy chúng ta phải có tâm thế chủ động để chinh phục người Việt, dẫn dắt cuộc chơi", bà Tâm chia sẻ.
Về thời gian tới, Phó tổng giám đốc Vicommerce cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn vậy nhưng sự đòi hỏi chắc chắn sẽ khó tính, thông thái và tinh tế hơn. Có thể nhà sản xuất ở giai đoạn trước đặt sản phẩm làm trung tâm, nay phải đặt khách hàng làm trung tâm.
"Đây là giai đoạn các thương hiệu lớn trên thế giới khơi gợi nhu cầu, tăng trải nghiệm của khách hàng để thu hút họ. Khách hàng tinh tế biết cái gì mang lại giá trị cho họ và họ sẽ lựa chọn sản phẩm đáp ứng được điều đó. DN Việt cần cố gắng để đạt được điều này", bà Tâm nói.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, để duy trì tăng trưởng kinh tế, nội lực chính là sức mạnh. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Thị trường nội địa là "cứu cánh" cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Bộ Công Thương sẽ chú trọng hỗ trợ cho DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, các HTX, hộ kinh doanh Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bà Nguyễn Thanh Huyền Giám đốc Marketing Công ty TNHH Hoàng Anh Maca Giá sản phẩm maca Việt Nam đang cao hơn hàng nhập khẩu từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Maca Việt kém cạnh tranh về giá không phải là do DN kém cỏi, mà do chúng tôi đang phải cạnh tranh trực tiếp với các đội thu mua nhỏ lẻ để mua nguyên liệu của nông dân, hàng hóa đi qua nhiều khâu trung gian. Đây cũng là vấn đề mà DN mong muốn Nhà nước hỗ trợ trong phát triển vùng nguyên liệu. |
Lê Thúy