Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.
Hàng ngoại vào, hàng Việt phải có 'khiên chắn'
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công Thương có đầy đủ chứng cứ chứng minh các yếu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp (DN) sản xuất Trung Quốc và Indonesia. Đây là động thái tích cực xây dựng "khiên chắn" cho hàng Việt.
Ngành gỗ có nhiều nguy cơ bị kiện vì nghi ngờ giả mạo xuất xứ (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ việc mà Việt Nam chủ động khởi xướng điều tra PVTM với hàng hóa nhập khẩu còn khiêm tốn. Tính đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam, trong khi Việt Nam mới chủ động khởi xướng điều tra PVTM với hàng hóa nhập khẩu chỉ khoảng 20 vụ việc.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng đầu năm 2020 đạt 708 triệu USD. Trung Quốc, Úc và Mỹ đang là những thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Rau quả ngoại "ồ ạt" vào Việt Nam đồng nghĩa với việc nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, XK nông sản của Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng các biện pháp PVTM phù hợp để bảo vệ thị trường trong nước càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU... mỗi năm cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới và quy định tỷ lệ tồn dư của nhiều chất cũng ngày càng hạ thấp. Ngay cả với thị trường Trung Quốc - trước kia vốn được xem là "dễ tính" nhưng gần đây cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu kiểm soát với nông sản nhập khẩu.
Chưa kể, các nước còn bảo hộ nông sản của họ bằng nhiều biện pháp "tế nhị" khác. Do vậy, Việt Nam muốn XK một mặt hàng nông sản vào EU, Mỹ, Nhật Bản... thường cần đến hàng năm trời, thậm chí cả hàng chục năm đàm phán.
Trong khi đó, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu của Việt Nam còn khá "chậm chân". Cụ thể, với nước đứng đầu top XK nông sản vào Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, việc nhập khẩu nông sản từ thị trường này còn nhiều bất cập, nhất là khâu kiểm soát, quản lý. Vì vậy, tình trạng nông sản Trung Quốc kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường hoặc "đội lốt" hàng Việt Nam diễn ra khá phổ biến.
13 mặt hàng vào diện cảnh báo "nóng"
Không chỉ mặt hàng nông sản, trong quý II/2020, Bộ Công Thương công bố danh sách 13 sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ cao bị các nước điều tra PVTM. Danh sách gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng XK sang Mỹ, đệm mút XK sang Mỹ, tủ gỗ XK sang Mỹ, đá nhân tạo XK sang Mỹ, gạch men XK sang Mỹ, lốp xe tải và xe khách XK sang Mỹ và EU, xe đạp điện XK sang Mỹ và EU, ống đồng XK sang Mỹ, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình gas, ghim đóng thùng sang Mỹ.
Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, bên cạnh việc được hưởng ưu đãi thuế quan XK sang EU, hàng hóa Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ nguy cơ bị gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu không kiểm soát được việc này, hàng XK Việt Nam bị kiện PVTM là điều khó tránh khỏi.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cảnh báo, với Hiệp định EVFTA, EU cho phép doanh nghiệp (DN) Việt tự chứng nhận xuất xứ (C/O) với lô hàng trị giá dưới 6.000 Euro tưởng chừng là buông lỏng kiểm soát nhưng sự thực là EU kiểm soát rất chặt chẽ, luôn chú ý hậu kiểm và sẵn sàng trả đũa các hành vi trục lợi bất hợp pháp. Một bằng chứng là cơ quan điều tra chống gian lận của EU đã làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Bỉ để cân nhắc việc mở rộng điều tra sang Việt Nam khi thấy Việt Nam tăng XK một số mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế.
Các chuyên gia thương mại cũng lưu ý, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các DN trong nước, các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ sản xuất nội địa.
Đơn cử, thời gian gần đây, ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện PVTM đến từ Mỹ, Hàn Quốc vì nghi ngờ gỗ Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam. Nếu bị những thị trường này áp thuế, XK gỗ của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, các nghi ngờ về hàng hóa “chuyển đổi không đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được XK với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM đang gia tăng.
"Nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các DN, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ", ông Dũng lo ngại.
Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, Cục trưởng Cục PVTM cho rằng, đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản..., để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK.
Về phần mình, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM Để xử lý hiệu quả vấn đề "gian lận xuất xứ", bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, DN cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. DN cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp DN sẽ “mất” toàn bộ thị trường XK liên quan. Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Để hàng Việt tận dụng tốt EVFTA, các bộ, ngành và địa phương cần tuyên truyền cho người sản xuất, DN về các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng hóa XK sang thị trường EU. Đồng thời, thu hút và thúc đẩy DN XK tăng cường đầu tư chế biến sâu để gia tăng hàm lượng giá trị nội địa. Luật sư Nguyễn Văn Hà - Công ty Luật S&B Việc các DN ít sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước là do rất nhiều nguyên nhân cả ở phía DN và các cơ quan quản lý. Đối với các DN, trước hết là chưa có ý thức sử dụng các công cụ pháp lý hợp lý này để cạnh tranh với với hàng hóa nhập khẩu, trong khi thế giới đã sử dụng rộng rãi thì Việt Nam vẫn chỉ đang bước đầu áp dụng. |
Lê Thúy