Gần đây, giá thịt gà nội ở các tỉnh phía Nam tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung dồi dào vượt nhu cầu của thị trường, vừa do áp lực từ nguồn gà ngoại nhập.
Giá gà thịt công nghiệp lông trắng tại trại ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt bình quân 28.000 đồng/kg, còn ở khu vực Đông Nam bộ có giá bình quân 29.000 đồng/kg. Giá gà thịt công nghiệp lông màu bình quân cũng quanh quẩn ở mức 30.000 – 32.000 đồng/kg.
Choáng váng vì "đòn" giá
Mức giá này hoàn toàn khó cạnh tranh với giá thịt gà ngoại nhập (chủ yếu dưới dạng đùi, cánh và gà nguyên con) đang tràn lan từ chợ cho đến siêu thị với mức khoảng 22.000 – 25.000 đồng/kg.
Một chủ trang trại gà công nghiệp ở huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết với mỗi con gà xuất chuồng có trọng lượng trung bình 2kg, ông đang phải chịu lỗ 4.000 – 8.000 đồng.
Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập hơn 105.000 tấn thịt gà các loại, bằng 85% sản lượng của cả năm ngoái. Ba thị trường cung cấp thịt gà chủ yếu là Mỹ, Brazil, Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với tổng trọng lượng nhập khẩu lên đến 47.718 tấn, chiếm đến 54% tổng sản lượng nhập khẩu của cả nước.
Riêng tổng sản lượng đùi gà nhập từ Mỹ trong nửa đầu năm nay đã lên đến 47.224 tấn, chiếm đến gần 99% tổng sản lượng thịt gà các loại nhập khẩu từ thị trường này.
"Kẻ ăn không hết, người lần không ra" có thể vịn vào tình thế khó khăn triền miên của ngành chăn nuôi gà trong nước trong vài năm nay.
Một chủ trang trại nuôi gà công nghiệp cho biết khi bước chân vào hệ thống siêu thị, điều ông ấm ức là các sản phẩm đùi gà Mỹ thay thế cho đùi gà Việt được đổ đầy trong tủ mát với mức giá chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí chỉ bằng 1/3 giá gà nuôi trong nước.
Theo chủ trang trại này, các cửa hàng thức ăn nhanh ở Tp.HCM chế biến các món gà cũng đang dùng gà nhập nhiều hơn là nguồn cung nội địa. Ngay cả các bếp ăn công nghiệp cũng ưu ái nhập kho nguồn gà ngoại giá rẻ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Thông Thanh Khánh, chủ sở hữu CTCP Khánh Sơn (chuyên về chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt gà ở huyện Cần Giờ, Tp.HCM), cho biết đến thời điểm hiện nay, sản phẩm thịt gà do doanh nghiệp (DN) trong nước chế biến đang thua trên "sân nhà" vì thị trường sản phẩm thịt gà ở Việt Nam đang chịu sự chi phối mạnh của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thịt gà nhập.
Để tránh lỗ triền miên cần hình thành chuỗi gà sản xuất nội địa |
Hình thành chuỗi gà sản xuất nội địa
Theo ông Khánh, các DN nội nhỏ lẻ trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt gà đang hoạt động trong tình trạng thoi thóp. Nếu như các DN nội không thay đổi chính mình thì tình trạng thua lỗ sẽ còn triền miên.
Ông Khánh cho biết xu hướng hiện nay của thị trường là nhu cầu về gà sạch, chất lượng an toàn, nếu các DN Việt không quan tâm xu hướng này thì sẽ khó tồn tại và cạnh tranh trên "sân nhà".
Chia sẻ với các DN ngành chăn nuôi hồi tuần qua tại Tp.HCM, bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh việc tăng lượng gà nhập khẩu như một hệ quả tất yếu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và điều này đang đe dọa ngành chăn nuôi gà trong nước.
Về vấn đề của chuỗi gà sản xuất nội địa, bà Thanh lưu ý Việt Nam có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại nhưng chưa thành công trong việc tạo ra sản phẩm thịt gà an toàn cho thị trường.
Theo đó, thông tin từ Tạp chí khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp công bố năm 2017 cho thấy có 68,5% mẫu thịt gà nhiễm kháng sinh, 37,2% mẫu thịt gà nhiễm Salmonella.
Đây cũng là vấn đề mà bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), lưu ý khi nhiễm kháng sinh và salmonella là một trong những vấn đề nổi cộm của thực phẩm Việt Nam liên quan đến ngành thịt.
Câu hỏi được đặt ra là hệ thống quản lý an toàn thực phẩm gà đang có vấn đề gì; Đâu là giải pháp cho quản lý hiệu quả an toàn thực phẩm chuỗi gà sản xuất nội địa; Làm gì để tăng cường năng lực cạnh tranh chuỗi gà nội địa trong bối cảnh hội nhập?
Có thể nói, việc chậm tái cơ cấu dù có nhiều cảnh báo tác động nặng nề đến hàng nghìn trang trại chăn nuôi gà nội địa, nguy cơ phá sản khó tránh khỏi. Từ đây để thấy tầm quan trọng như thế nào của việc hình thành các tổ chức sản xuất chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị để tránh những rủi ro.
Bà Thanh cũng chỉ rõ là hiện nay không có sự trao đổi thông tin giữa người nuôi với các mắt xích tiếp theo ở trong chuỗi gà, trong khi đây là điều quan trọng.
"Như khi con gà tới nơi giết mổ thì nhà giết mổ phải có biện pháp nào đó ghi chép lại, số lượng ra sao, bị gì… Thông tin này nói lên con gà đó nuôi như thế nào, được bắt ra sao, vận chuyển như thế nào… để biết nếu có vấn đề thì nó nằm ở đâu. Rõ ràng là hệ thống quản lý hay những biện pháp đang áp dụng chưa dựa trên đánh giá, tiếp cận rủi ro", bà Thanh nói.
Thế Vinh