Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có hơn 10.000 hội viên nhưng chủ yếu là doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ và vừa, vì vậy dịch COVID-19 trở lại như một "cú đấm bồi" tới các DN, trong số đó có DN đã rơi vào tình cảnh "sức cùng lực kiệt".
'Nút thắt' khâu thực thi
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá, khâu thực thi những chủ trương hỗ trợ của Chính phủ còn chậm so với kỳ vọng của DN cũng như diễn biến của dịch bệnh.
Bộ KH&ĐT đang đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất... cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 |
"Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ tinh thần không để DN thiếu vốn, tạo mọi thuận lợi để DN tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc triển khai để nhận gói hỗ trợ này", ông Anh nói.
Theo đó, ông Hoàng Anh kiến nghị cần giảm, giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0%. Đồng thời, giảm thuế suất thu nhập DN xuống 10% cho tất cả các DN cho kỳ tính thuế 2019, 2020, xem xét miễn giảm tiền thuế VAT....
Đặc biệt, để kéo các công ty sản xuất về Việt Nam và đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ trong nước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng tất cả các nhà máy của các công ty chuyển từ nước ngoài về Việt Nam cần được hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập DN mức cao nhất trong luật. Các công ty trong nước đáp ứng được và trở thành nhà phân phối của các nhà máy này sẽ được miễn thuế tương tự kể từ khi chính thức thành nhà phân phối của họ.
Hơn nữa, theo phản ánh của DN, Chính phủ cần có cơ chế giám sát triển khai các gói hỗ trợ. "Có bộ ngành yêu cầu địa phương lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của DN về triển khai gói hỗ trợ. Tuy nhiên, DN do còn làm ăn lâu dài, rất ngại kể chuyện khó với cấp trên của đương sự nên đường dây nóng trong ngành này khó hiệu quả", ông Anh chia sẻ.
Du lịch cũng là một trong những ngành chịu nặng nề nhất của COVID-19, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, cho biết hiện nay DN du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ, bên cạnh là công nợ rất lớn giữa các DN này trong hệ thống ngành du lịch với nhau, với các đơn vị vận chuyển và với các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Vấn đề cần giải quyết đối với ngành du lịch là Chính phủ trợ giúp bằng cách đứng ra để làm bảo đảm tín chấp, thanh khoản giữa các DN với nhau để dòng tiền của các DN được thanh khoản với nhau, tạo ra dòng tiền lưu thông, việc đảm bảo sẽ thông qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Kéo dài hỗ trợ là cần thiết nhưng...
Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị: Chính phủ cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa và đặc biệt là các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Toàn quốc hiện nay có 28 quỹ Bảo lãnh tín dụng trực thuộc các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Do vậy, việc cải tổ các Quỹ bảo lãnh tín dụng là vô cùng cấp thiết, Chính phủ phải xem xét làm sao để có nhiều nguồn lực về tài chính, các thủ tục về bảo lãnh vay đơn giản hơn.
Trong cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ DN mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ đánh giá lại các gói hỗ trợ, đồng thời thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn. Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021 như gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất...
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc rà soát lại các gói hỗ trợ trong giai đoạn COVID-19 trở lại là cần thiết. Theo đó, những chính sách này có thể mở rộng và căn chỉnh lại cho phù hợp sau hơn 4 tháng triển khai. Ví dụ, trước đây chúng ta chủ yếu tập trung hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, bây giờ có thể cân nhắc hỗ trợ cho cả những DN lớn trong những lĩnh vực quan trọng, lan tỏa lớn như lĩnh vực hàng không.
Bên cạnh đó, thời hạn của các gói hỗ trợ cần dài hạn hơn kể cả tài khóa và tiền tệ bởi bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất khó lường và chưa biết lúc nào sẽ kết thúc.
"Đây không phải là gói hỗ trợ thứ hai hay thứ ba mà đã có rồi, nhưng vấn đề là cần phải đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ đó, cái gì vướng mắc cần phải gỡ ngay. Ví dụ, câu chuyện liên quan tới gói 16 nghìn tỷ cho DN vay hỗ trợ trả lương hay liên quan tới chính sách giãn, hoãn thuế. Vì sao hiện nay DN không mặn mà vì họ không có lãi để nộp thuế, chưa kể thủ tục lằng nhằng", ông Lực đánh giá.
Điều này cho thấy rõ ràng gói hỗ trợ tài khóa cần phải thúc đẩy hơn nữa, phải nghĩ tới gia hạn dài hơn ít nhất là hết năm nay. Tuy nhiên, song song với đó là phải tạo điều kiện đơn giản nhất để DN dễ dàng thụ hưởng những chính sách này.
Bên cạnh đó, ở một góc nhìn khác, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nêu quan điểm: Hỗ trợ theo kiểu bơm tiền ra cho mỗi người một ít sẽ "cứu sống" nhiều DN nhưng không ai mạnh lên sau dịch bệnh thì rất gay. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ trước cho những DN đầu tàu, đầu chuỗi trong các ngành có sức ảnh hưởng lớn sản xuất ô tô, cơ khí... Theo đó, các DN trong ngành sẽ tự vực nhau dậy thay vì chờ Chính phủ "cứu".
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất có các điều chỉnh chính sách tài khóa mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng ở thị trường nội địa. Trong đó, cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội. Đây là giải pháp giúp vực dậy chính DN. Bà Nghiêm Thị Hòa Phó Giám đốc thương mại hãng hàng không Bamboo Airway Với các chính sách trong giai đoạn một mà Chính phủ đưa ra, cũng như DN đã đề xuất như giảm chi phí sân bến bãi, chi phí xăng dầu, chi phí hạ cất cánh, cũng như các chi phí khác... Vì vậy, các hãng hàng không mong muốn Chính phủ, bộ, ngành và địa phương vào cuộc để giúp các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ đó, chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ cho khách hàng, DN đối tác đang làm việc với các hãng. Ông Phạm Thế Anh Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Hỗ trợ cho DN phải thiết thực, tức là hỗ trợ về chi phí cho họ chứ không phải là lợi nhuận. Những chính sách giảm thuế là không hiệu quả trong đợt dịch này, đặc biệt là thuế thu nhập DN đã đánh không đúng đối tượng, không cần thiết. Do vậy, Chính phủ phải hỗ trợ về mặt chi phí như thuê mặt bằng, trả lãi ngân hàng trong khi hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ. |
Lê Thúy