Nhiều khách hàng cá nhân mua nhà, mua xe trả góp cũng cần được giảm nợ, giãn nợ vì thu nhập bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3 có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lĩnh vực ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng là: du lịch, vận tải, chế biến, dệt may, da giày, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống…
Mất nguồn thu trả nợ
Trong số hàng nghìn lao động thất nghiệp có không ít người mua nhà ở xã hội từ gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng “kêu cứu” bởi mất thanh khoản thanh toán gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Vợ chồng anh Đạt vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mua được một căn chung cư tại tổ hợp HH, Hoàng Liệt, Hà Nội, với diện tích 45m2 có giá gần 800 triệu đồng, trong đó 80% là vay ngân hàng lãi suất 5%/năm, thời gian trả trong 15 năm.
Hiện tại, bình quân mỗi tháng, cả gốc và lãi khoảng 4 triệu đồng. Gần 5 năm qua, chưa tháng nào gia đình anh Đạt chậm trễ thanh toán khoản vay này.
Thế nhưng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh Đạt mất việc làm, còn vợ anh hơn một tháng nay chưa được nhận lương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, mà còn khiến gia đình anh Đạt mất khả năng thanh toán cho khoản nợ vay mua nhà.
“Tôi làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty đóng cửa, buộc phải nghỉ việc không lương. Còn vợ làm công nhân may cho một doanh nghiệp tư nhân, từ Tết đến nay, công ty sản xuất cầm chừng, hôm đi làm hôm không, nên hơn một tháng nay chưa có lương. Hai đứa con gửi về nhờ ông bà nội trông, vừa để phòng chống dịch, vừa nhờ ông bà nuôi trong lúc kinh tế gia đình khó khăn”, anh Đạt cho hay.
Hiện, vợ chồng anh Đạt xoay xở chi tiêu hàng ngày bằng khoản tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, với khoản vay nợ mua nhà, 2 tháng nay chưa trả cho ngân hàng theo tiến độ.
“Tôi cũng đã có ý kiến với ngân hàng để xin giãn nợ trong mấy tháng dịch bệnh Covid-19 khoản tiền vay mua nhà này. Ngoài giãn nợ, lãi suất của khoản vay cần giảm từ 5% xuống còn 3% mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của gia đình", anh Đạt chia sẻ.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đang vay tiền ngân hàng nhưng mất nguồn thu, không thể tiếp tục trả nợ.
Nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết những ngày gần đây liên tục nhận được kiến nghị của khách hàng về việc giảm lãi, giãn nợ gói 30.000 tỷ bởi khó khăn do dịch Covid-19.
“Từ khi ngân hàng công bố các chính sách hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều khách hàng cá nhân đang vay gói 30.000 tỷ mua nhà ở xã hội cũng đến ngân hàng xin được “khất nợ” và tạm dừng trả nợ trong thời điểm hiện nay”, nhân viên này cho hay.
Khách hàng cá nhân cũng cần được chia sẻ khó khăn
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn dịch Covid-19, các ngân hàng bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, việc cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng không được nhắc tới.
Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng trên thực tế, không chỉ có các khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng mất khả năng trả nợ gốc và lãi ngân hàng, nhiều cá nhân vay tiền mua nhà, xe trả góp cũng cần được giãn nợ, khoanh nợ, vì thu nhập bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19.
Ts. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, đánh giá các cá nhân đang vay hiện nay cũng rất “căng”. Trường hợp hai vợ chồng cùng trả nợ mà bị cắt giảm lương hoặc một người nghỉ việc thì sẽ không đủ tiền để trả ngân hàng.
“Các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ mới tập trung nhiều vào doanh nghiệp mà chưa có hướng hỗ trợ khách hàng cá nhân - đối tượng mà các ngân hàng chú trọng phát triển những năm gần đây. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là đúng nhưng cần quan tâm đến cá nhân nhiều hơn”, ông Hiển nói.
Nếu không được khoanh nợ, ngân hàng cũng chịu nhiều rủi ro vì nợ xấu tăng và chính các ngân hàng lại phải giải quyết như từng xảy ra. Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đồng tình, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người làm công ăn lương cũng bị ảnh hưởng, nhẹ nhất cũng bị giảm lương, giảm thu nhập, nặng hơn thì mất việc. Cá nhân vay vốn ngân hàng cũng là những khách hàng cần được sự hỗ trợ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Các chuyên gia lưu ý đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ những người tiêu dùng cuối cùng, kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.
Trước lời "kêu cứu" của nhiều khác hàng, hiện đã có một số ngân hàng đang xem xét làm tờ trình xin chính sách giãn nợ trong mấy tháng dịch bệnh Covid-19 cho khách hàng vay gói tín dụng này.
Thanh Hoa