Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn DN, tăng đến 41,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng còn dai dẳng
Tính đến nay có 21,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Và hiện đã có 8,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể (trong đó có 7,9 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng).
Các DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (có gần 3,3 nghìn DN), công nghiệp chế biến, chế tạo (có 1.012 DN) và ở các lĩnh vực xây dựng, quảng cáo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch, vận tải, kho bãi…
Cần duy trì thanh khoản cho DN vừa và nhỏ nhằm duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế giữa tác động của Covid-19 |
Ngoài ra, trong 7 tháng qua, trên cả nước còn có 26,7 nghìn DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, đã dự báo trong thời gian tới, mức độ ảnh hưởng của Covid – 19 sẽ vẫn còn dai dẳng. Do đó, các DN nói chung và các DN vừa và nhỏ nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Còn theo IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, một động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua.
Như chia sẻ của ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào: “Kinh nghiệm từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã mang đến cho chúng tôi một bài học rằng DN vừa và nhỏ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.
Do đó, theo ông Kelhofer, việc duy trì thanh khoản cho những DN này có vai trò quan trọng nhằm duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Chính vì vậy, mới đây, phía IFC cho biết sẽ cung cấp thêm các khoản vay với khoảng 140 triệu USD ở hai ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam để giúp hai ngân hàng này tăng cường hỗ trợ khách hàng - đặc biệt là những DN vừa và nhỏ gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Khoản vay này được hy vọng sẽ giúp phía ngân hàng tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng DN, trong khi đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các DN.
Ngoài ra, IFC cũng đang phối hợp với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) huy động một gói tài trợ bổ sung khoảng 100 triệu USD để nâng cao hơn nữa khả năng cho vay các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Vướng” nhiều tiêu chí
Gói tài trợ này được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các DN Việt Nam, trong đó có các DN vừa và nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.
Tuy vậy, dù đang có những nỗ lực từ tổ chức tài chính quốc tế, các khoản tài trợ thương mại giữa dịch Covid-19, nhưng việc kéo giãn thời gian trả nợ và làm thủ tục vay mới (nhất là vay vốn ưu đãi) với nhiều DN vừa và nhỏ ở trong nước vẫn được cho là khá trầy trật.
Đứng ở góc độ một DN trong ngành hàng nông sản đang đứng trước những khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Đồng Nai), than phiền là nhiều DN đã cầm cố nhà đất, kho bãi và các tài sản khác để cố gắng xoay xở.
“Thế nhưng, lãi suất thì các DN vẫn phải đóng. Với hiện tại, DN không xuất được hàng thì lấy đâu ra để vừa chèo chống DN vừa có thể đóng lãi cho ngân hàng ?”, bà Nhung buồn bã nói.
Và theo vị nữ giám đốc này, một hiện tượng đang nổi lên giữa mùa dịch Covid-19 chính là những dịch vụ cho DN vay để đóng lãi suất ngân hàng. Điều này càng mang lại thêm nhiều rủi ro cho DN.
Còn ông Lê Văn Hiệp, giám đốc một công ty vận tải ở quận 12 (Tp.HCM), thì cho biết dù rất muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn còn “vướng” nhiều thủ tục, tiêu chí cho vay của ngân hàng. Và hiện tại công ty vẫn đang vay vốn tại các ngân hàng với lãi suất 8-8,5%/năm.
Hoặc như chia sẻ của một chủ DN trong ngành chăn nuôi ở Đồng Nai, các khoản vay tín chấp, ưu đãi thường được thẩm định dựa trên chiến lược, phương án kinh doanh…lại không dễ thực hiện đối với các DN nhỏ dù họ thường xuyên có nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh thì việc vay với lãi suất ưu đãi còn gặp khó khăn.
Theo giới chuyên gia, các DN vừa và nhỏ vẫn gặp bế tắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi khó đáp ứng những tiêu chí của các ngân hàng. Ngay cả đối với các khoản vay thế chấp bằng tài sản, trên thực tế thủ tục thanh lý tài sản thế chấp của DN nhỏ và vừa nếu bị phá sản cũng còn nhiều quy định ràng buộc, cũng như có tỷ lệ rủi ro cao.
Thế Vinh