Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 21/5. Vì vậy, những tranh luận về việc ưu đãi thế nào, cơ chế thể chế ra sao tiếp tục được nêu ra tại hội thảo "Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" diễn ra ngày 18/5.
Không chỉ là ưu đãi thuế
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế được nhiều nước trên thế giới làm nhưng thành công không nhiều. Việt Nam chưa từng làm, mới đang làm tới khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng cũng "vật vã" lắm.
Ông Thiên cho rằng điều kiện quốc tế thay đổi, đưa ra yêu cầu mới cho phát triển, trong đó có cách tiếp cận đặc khu. Đặc khu không dừng lại ở một thế hệ, đây là cơ hội cho chúng ta vượt lên, nhưng có sẵn sàng vượt lên hay không là chuyện khác.
"Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng nói Singapore là nước kém phát triển, ở trong tình thế phát triển cực kỳ khó. Muốn tránh rủi ro, phải trở thành nước phát triển và Singapore đã thành công. Với việc xây dựng đặc khu cũng vậy, nhiều nước đi sau cũng theo cách này để vượt trội. Đó là bài học đi sau thì vượt trước, nhưng làm thế nào để vượt trước?", ông Thiên nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kể lại một câu chuyện diễn vào năm 2012. Thời điểm đó, sau khi Trung ương cho phép chuẩn bị đề án kinh tế đặc biệt, mời gọi nhà đầu tư lớn, quyết định thành lập đơn vị hành chính đặc biệt, Quảng Ninh có mời gọi được một nhà đầu tư hàng đầu nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi đó, nhà đầu tư đặt ra 4 câu hỏi yêu cầu Quảng Ninh trả lời là: Chủ trương định hướng quy hoạch tầm quốc gia thế nào, xác định xây dựng bao nhiêu đặc khu, ở vị trí nào; Bao giờ có Luật Đặc khu (thể chế, cơ chế chính sách vượt trội ra sao); Hạ tầng cơ sở hạn chế (bao giờ sẽ có sân bay, đường cao tốc) và thẩm quyền của tỉnh có đủ khả năng giải quyết vấn đề liên quan tới nhà đầu tư?
Ông Thành cho hay, thời điểm đó, Quảng Ninh có đủ nỗ lực, quyết tâm nhưng không có đủ cơ sở trả lời nhà đầu tư, vì vậy nhà đầu tư đã chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Đó là câu chuyện mà tỉnh Quảng Ninh luôn trăn trở và buộc chúng ta phải suy ngẫm để xây dựng đặc khu.
Là một nhà đầu tư, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn C.E.O, mong muốn Chủ tịch UBND đặc khu nên được trao quyền tối đa để đủ thẩm quyền giải quyết nhanh các vấn đề của các nhà đầu tư, của các dự án đầu tư tại đặc khu.
Để hiện thực hóa được điều này, ông Đức nhấn mạnh: Luật Đặc khu cần giảm tối đa các đầu việc, các thủ tục theo cơ chế mở và tự do trước khi trao quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu. Ví dụ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thay vì bao gồm 131 ngành nghề như quy định trong Dự thảo hiện nay có thể cắt giảm hơn nữa.
Đồng thời, thử nghiệm việc ủy quyền tối đa cho nhà phát triển các khu chức năng, trong đó bao gồm cả các khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng thực hiện một số thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hình thức quản lý công – tư nhằm giảm thiểu các công việc cho Chủ tịch UBND đặc khu và giảm bớt bộ máy nhân sự của đặc khu.
Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: đặc khu gắn với hai chữ dám chơi và biết chơi. Dù đã muộn, rủi ro, đầy thách thức, tuy nhiên Việt Nam phải dám đánh cược vào cuộc chơi này. Việt Nam cần đột phá thể chế, cải cách mở cửa.
"Bản chất là Việt Nam muốn vượt lên trên theo nghĩa tự do dịch chuyển nguồn lực. Tuy nhiên, tôi chưa hài lòng lắm với chữ biết chơi của dự thảo Luật._Việt Nam phải kết hợp với ưu đãi dựa trên tài sản những lĩnh vực chiến lược cho tương lai của Việt Nam có lợi thế, Luật này lại gần như chưa có", ông Thành đánh giá.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV |
Lo "cuộc đua xuống đáy"
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: các khu đặc khu có quy hoạch tốt nhưng vẫn có rủi ro bởi dựa quá nhiều vào ưu đãi thuế. Chưa kể một số ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng, điều này không có lợi.
Đại diện WB lo ngại Việt Nam xây dựng nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều bài học trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp. Cả nước hiện có gần 330 khu công nghiệp, ngoài ra có khu công nghệ cao nhưng không phải tất cả đều khả thi, chỉ khoảng 56% là thành công.
Các khu công nghiệp mới hiện nay được thiết kế từ dưới lên trên, có quá nhiều khu công nghiệp được thành lập nhưng chỉ dựa vào các nguồn lực cũ, không tìm được nguồn lực mới có giá trị gia tăng, cho nền kinh tế trong tương lai.
"Chúng ta không muốn nhìn thấy một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý để đảm bảo đầu tư nước ngoài có đóng góp cho phát triển ở Việt Nam bền vững hơn. Kinh nghiệm quốc tế thành công đòi hỏi có chiến lược công nghiệp tổng thể, các yếu tố như môi trường, cơ sở hạ tầng, chính sách cần đồng bộ, hiệu quả để đầu tư lan tỏa", chuyên gia WB cho biết.
Theo vị chuyên gia này, các đặc khu xây dựng thời điểm những năm 1960 là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam là mở nhất thế giới, phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan.
Trong tương lai, Việt Nam phải tìm kiếm nguồn lực mới, chiến lược phát triển giá trị gia tăng, các nhà đầu tư kiểu này không cần phải giảm thuế mà họ muốn tìm hiểu về cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chính sách bền vững, đồng nhất… trước khi đầu tư.
"Quan điểm của chúng tôi là nên tập trung tạo ra việc làm cho tương lai, năng suất cao, sáng kiến về chi phí và lợi ích. Hơn nữa, cũng cần tập trung vào trách nhiệm giải trình, không nên tập trung vào ưu đãi thuế, phải định hướng vào các ngành chiến lược và tránh phân mảnh chính sách", ông Sebastian Eckardt nói.
Ts. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đánh giá Việt Nam còn nhiều dư địa để làm, đó là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục cấp phép đầu tư.
"Việt Nam mở về kinh tế, thương mại, tín dụng nhưng về thể chế có lẽ còn khép, chúng ta còn nhiều dư địa để mở", ông Lịch nêu quan điểm.
Ông Lịch chỉ ra: Hiện có hai nhóm chính sách, là ưu đãi và môi trường đầu tư, nhưng chúng ta mới chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách, ưu đãi thuế, giá đất, trong khi chưa tập trung vào nhóm môi trường đầu tư.
"Phải chăng hơi nhạy cảm nên chúng ta phải làm từ từ? Nhà đầu tư cần môi trường nhiều hơn là giảm thuế. Muốn câu con cá lớn thì mồi phải ngon thơm, chứ không phải cho con cá cho nhanh", ông Lịch nói.
Chính sách ưu đãi cho đặc khu rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là môi trường đầu tư, làm sao nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy tới đây cảm nhận như nước họ. Nhà đầu tư Singapore tới Phú Quốc cảm thấy như đang ở Singapore…
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc pháp lý của KPMG, cho rằng: Ưu đãi thuế chỉ chiếm 30-40% trong quyết định lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư trong một đặc khu. Hai tiêu chí khác là thể chế minh bạch, ổn định chính sách và cơ sở hạ tầng cũng rất quan trọng.
Lê Thúy
Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng, WB tại Việt Nam Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng ở địa điểm lựa chọn xây dựng đặc khu. Sau đó, phải tạo ra cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành nghề chiến lược mà chúng ta lựa chọn, phải làm vượt trên khu vực khác. Khi có nguồn nhân lực có kỹ năng cao, giúp tăng cạnh tranh không chỉ tại đặc khu kinh tế mà trong toàn đất nước để vượt lên chuỗi giá trị. Ông Trần Đạo Đức - Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn CEO Nếu thể chế thông thoáng là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của đặc khu thì các ưu đãi được lượng hóa là hết sức hấp dẫn ban đầu, có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Thế giới có đặc khu 4.0, vì thế để cạnh tranh, chúng ta cần cởi mở về tư tưởng để cho ra đời đặc khu với thiết kế từ 4.0 trở lên. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trên thế giới có nhiều đặc khu thành công nhưng cũng có nhiều đặc khu thất bại. Từ việc tổ chức bộ máy, tìm nhà đầu tư chiến lược, đầu tư hạ tầng thế nào, xúc tiến đầu tư ra sao… Đây là nhiều công việc còn ở phía trước, cần tập trung làm để đảm bảo thành công. Sau khi Luật ban hành cần tổ chức triển khai thực hiện thế nào, làm thế nào thành công, làm thế nào khả thi, cơ chế chính sách ra sao, các chuyên gia nên góp ý cho việc tổ chức thực hiện để khi ban hành Luật phải khả thi, đi vào cuộc sống. |