Phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tinh thần hành động quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Phục hồi và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới". |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, năm 2021, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức do dịch COVID-19 gây ra, nhiều trung tâm kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng nặng nề... Trước bối cảnh đó, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số một là chống dịch, Chính phủ đã chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhằm duy trì sản xuất kết hợp với phòng chống dịch của doanh nghiệp, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Nhờ đó, nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực...
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. |
Để đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam vững tin bước vào năm 2022– là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Vì vậy, cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022 – 2023.
Do vậy, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: Diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cách đây 5 tháng, cộng động doanh nghiệp còn lo lắng về tình hình hoạt động do COVID-19 vì hàng loạt nhà máy đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra đột xuất, kiểm soát tình hình thực tế và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Doanh nghiệp đã kịp thời thoát khỏi khó khăn, bế tắc do đại dịch COVID-19.
"Hiện nay, với việc tiêm phủ vắc xin rộng rãi trên cả nước đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về độ bao phủ tiêm chủng vắc xin. Sự chủ động này đã kịp thời thay đổi trạng thái của nền kinh tế. Đây là tiền đề cho kinh tế Việt Nam mở cửa, hợp tác với nền kinh tế thế giới", ông Công nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng đánh giá năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6-6,5%, đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.
Theo đó, ông Công cho rằng việc phục hồi chuỗi cung ứng là phục hồi yếu tố nền tảng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Nâng cao năng lực ngành sản xuất trong nước, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ giúp đạt được mục tiêu trên.
Nhật Linh