Ông Dominic Scriven cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán là vô cùng hợp lý, là cơ hội vàng để Việt Nam cùng một lúc nhắm đến ba mục tiêu: xử lý những bất cập giữa Luật Chứng khoán và một số luật khác; xử lý sự phân biệt không nên có giữa Việt Nam và các thị trường mới nổi trong khu vực; xử lý, cân đối lại các vấn đề rủi ro và hiệu quả rủi ro.
Mấu chốt đầu tư
Theo ông Dominic Scriven, quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cuối năm 2018 có thể đạt khoảng 180 tỷ USD vốn hóa, thị trường trái phiếu chính phủ đạt khoảng 50 tỷ USD vốn hóa.
Như vậy, thị trường có quy mô chung khoảng 230 tỷ USD và là mức vốn hóa khá lớn hiện nay. Chỉ số Vn-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là 16,5 tỷ USD, vốn gián tiếp đạt khoảng 7,6 tỷ USD.
Ngoài ra, thông qua cổ phần hóa, thoái vốn trong hai năm trở lại đây, ngân sách nhà nước cũng đã thu về 10 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua phần lớn lượng cổ phần của những đợt thoái vốn quy mô lớn như Vinamilk và Sabeco.
Tuy nhiên, trong vấn đề sở hữu nước ngoài trên TTCK, Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên nhiều thực trạng cần được xem xét xử lý.
Ông Dominic Scriven cho biết hiện đang có sự chồng chéo không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán về địa vị pháp lý của các công ty đại chúng (bao gồm cả công ty niêm yết và chưa niêm yết) có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51%.
"Điểm mấu chốt là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty này có thể thay đổi hàng ngày, hôm trước trên 51%, ngày hôm sau dưới 49%. Như vậy, quy định yêu cầu mọi hoạt động "mua cổ phần, phần vốn góp" dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng ký là bất hợp lý và không thể thực hiện được", ông Dominic Scriven nói.
Nhóm công tác thị trường vốn nhấn mạnh, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dù được cho phép hay không cho và cho đến mức nào là tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia, nhưng đây là mấu chốt trong việc mời gọi đầu tư.
Trên thực tế trong hầu hết thời gian của năm 2018, TTCK Việt đã chịu nhiều tác động trước các động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Khi thị trường tăng điểm, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tạo những hiệu ứng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, khi giá xuống, áp lực bán của khối ngoại cũng làm trầm trọng thêm xu hướng xấu của thị trường, khiến các nhà đầu tư trong nước lao đao.
Đáng chú ý, trong khi các TTCK khác đang phải chịu cảnh nhà đầu tư ngoại "tháo chạy" thì thị trường Việt vẫn hút được dòng tiền "khó tính" này.
Theo ông Dominic Scriven, trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỷ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỷ USD khỏi Philippines, nhưng lại đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.
"Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lòng tin vào thị trường Việt Nam. Xét về giá trị doanh nghiệp của Việt Nam, theo chúng tôi, chỉ số PE của năm nay sẽ vào khoảng 10, 11 hay 12 lần, EPS là trên 25%. Mặt bằng giá chung của các công ty niêm yết tại Việt Nam vẫn khá hấp dẫn", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là mấu chốt mời gọi đầu tư |
Giải pháp hỗ trợ
Để hỗ trợ và giải quyết tối đa những kiến nghị mà các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải trên TTCK Việt nhằm thu hút được dòng vốn ngoại một cách hiệu quả nhất, Nhóm công tác thị trường vốn đưa ra kiến nghị luật hóa việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Chứng chỉ này sẽ giải quyết được hai vấn đề: Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định và không làm thay đổi địa vị pháp lý của các nhà đầu tư khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%.
NVDR cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng, công ty niêm yết khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa.
Luật Chứng khoán cần luật hóa quyền biểu quyết của tổ chức nắm giữ NVDR, việc phát hành, quản lý và tổ chức thị trường giao dịch đối với NVDR.
"Thái Lan và Malaysia đang làm và khá thành công mô hình này", ông Dominic nói.
Về quyền biểu quyết của NVDR, đại diện Nhóm công tác thị trường vốn đưa ra bốn đề xuất bao gồm: NVDR không có quyền biểu quyết; toàn bộ số phiếu biểu quyết của NVDR được tính vào số phiếu biểu quyết của nhà đầu tư trong nước nếu được 75% nhà đầu tư trong nước thông qua; số biểu quyết của NVDR được chia đều cho nhà đầu tư trong nước theo tỷ lệ; kết hợp cả hai giải pháp 2 và 3, trong đó các vấn đề được ít nhất 75% nhà đầu tư trong nước đồng thuận thì tỷ lệ biểu quyết tính theo giải pháp 2, các vấn đề khác dưới ngưỡng 75% thì theo giải pháp 3.
Ngoài ra, Nhóm cũng đề xuất bỏ quy định nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán mới được giao dịch, bởi việc áp dụng quy định này đối với các nhà đầu tư là đã can thiệp quá sâu và vi mô tới thỏa thuận thương mại giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư, từ đó sẽ làm giảm thanh khoản thị trường, giảm chức năng của thành viên lưu ký, hạn chế sự linh hoạt của công ty chứng khoán và tăng chi phí giao dịch.
Linh Đan