Toàn cảnh diễn đàn VBF 2020. (Ảnh: Int) |
Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) hôm nay 22/12 với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”.
Năm 2020 được xem là năm của những khó khăn và thách thức mà tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua Chính phủ đã ban hành hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Tuy nhiên, phát biểu tại diễn đàn, một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, vẫn còn những vướng mắc gây khó khăn cho sự phát triển của DN như chính sách về thuế và hải quan. Ở địa phương vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chẳng hạn như phạm vi kiểm tra sau thông quan chồng chéo, vấn đề thuế GTGT đối với hàng hóa giao nhận ngoài Việt Nam; Vướng mắc về hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Điều kiện để được công nhận là Doanh nghiệp chế xuất... chưa rõ ràng.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân ở các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường sử dụng công nghệ mild hybrid, hybrid và chạy hoàn toàn bằng điện.
Đơn cử, Nghị định 70/2020/NĐ-CP hỗ trợ cho các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước bằng cách giảm 50% thuế trước bạ cho khách hàng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, không có ưu đãi đăng ký nào dành cho khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường mua các mẫu xe này tại Việt Nam.
EuroCham kiến nghị, sau ngày 31/12/2020, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước kết thúc, Chính phủ Việt Nam nên áp dụng mức giảm 50% thuế trước bạ tương tự đối với xe mild hybrid, hybrid và xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2021.
"Chính sách của Chính phủ nên đưa ra trong thời gian tối đa là bao nhiêu năm để hỗ trợ sự phát triển của các phương tiện thân thiện với môi trường và thể hiện cam kết của họ đối với một xã hội xanh sạch hơn", cộng đồng doanh nghiệp EU khẳng định.
Bên cạnh đó, Nhóm Công tác Thuế & Hải quan của VBF 2020 đề nghị xóa bỏ phân biệt đối xử về thuế đối với xe hơi trong nước và xe hơi nhập khẩu và không phát sinh chính sách này trong tương lai.
Nhóm công tác về Thuế và Hải quan nói rằng, những người mua ô tô nhập khẩu từ nước ngoài vẫn phải nộp lệ phí trước bạ 10- 12% tùy theo từng địa phương. Trong khi đó, xe lắp ráp, sản xuất trong nước đang được giảm 50% lệ phí trước bạ.
"Việc ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng trong nước là không phù hợp trong thời điểm đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng đối với tất cả các doanh nghiệp với quy mô toàn cầu", Nhóm công tác về Thuế và Hải quan nói.
Vì vậy, nhóm công tác này kiến nghị Việt Nam nên xóa bỏ sự phân biệt này và nếu có áp dụng trong thời gian tới thì nên dành cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng DN và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh.
Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng DN khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái "bình thường mới", Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Đồng thời, hỗ trợ các DN, bao gồm cả DN vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp; ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững….
Thanh Hoa