Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Doanh nghiệp còn e dè
Lấy ví dụ từ thực tế ngành bán lẻ, bà Dương Thanh Tâm, chuyên gia quản trị chiến lược, Phó Tổng giám đốc VinCommerce, cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu sống còn. Yếu tố giúp DN bứt phá, tạo ra chỗ đứng để cạnh tranh chính là tiện lợi trong mua sắm và trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện được điều này, "đòn bẩy" công nghệ số là yêu cầu cực kỳ quan trọng.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. |
"DN phải xác định khách hàng ở đâu, cần sản phẩm gì thì sẽ tiếp cận ở đó. Ví dụ VinMart, Big C đều kinh doanh rau quả, nên thứ chúng tôi bán không phải là sản phẩm khác biệt với đơn vị khác mà khác ở tiện ích, biết được khách hàng ở đâu có nhu cầu. Muốn làm được điều này thì DN phải đẩy mạnh chuyển đổi số", bà Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, từ nghiên cứu thực tế, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói rằng: "Chúng ta nghĩ rằng tất cả các DN sẽ tìm đến công nghệ để đối phó dịch COVID-19 nhưng thực ra số này chỉ tăng 29% so với cùng kỳ 2019. Rõ ràng việc tiếp cận công nghệ mới không hề đơn giản với các DN."
Hay về thương mại điện tử, quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh từ 2015-2019 với mức tăng trưởng trung bình 30%. Con số 2020 sẽ là bí ẩn với nhiều nguồn thông tin khác nhau. "Lúc đầu chúng tôi nghĩ COVID-19 sẽ là đòn bẩy của phát triển thương mại điện tử, nhưng sự thật có lẽ tốc độ tăng trưởng không bằng năm 2019", ông Hải nói.
Điều ông Hải nói đã cho thấy, chuyển đổi số vẫn là bài toán nan giải đối với nhiều DN. Trong quá trình tiến hành chuyển đổi số, DN đã và đang gặp phải không ít khó khăn.
CEO một Công ty về Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ cho biết, nguyên nhân của việc các doanh nghiệp còn ngại chuyển đổi số là ... ngại thay đổi, thiếu nguồn nhân lực có đủ khả năng, tri thức để thực thi và vận hành mô hình chuyển đổi số. Nhưng quan trọng nhất là, doanh nghiệp còn đắn đo vì chi phí đầu tư cho công nghệ lớn và e ngại không thu lại kết quả như kỳ vọng.
Một kết quả khảo sát vừa được Vietnam Report tiến hành trong tháng 10/2020 cũng cho thấy top 5 rào cản DN gặp phải khi tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số là: Nguồn vốn đầu tư lớn (61,5%), đối tác kinh doanh chưa sẵn sàng hợp tác về các giải pháp số (42,3%), không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao (38,5%), thiếu công cụ đảm bảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (34,6%) và thiếu các tiêu chuẩn, chứng chỉ, quy định, kinh nghiệm (32,7%). Trong khi cuộc đua số hóa sẽ chẳng chờ đợi bất cứ ai, các DN Việt Nam cần bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa để giữ vững tên tuổi và vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
DN nên sẵn tâm thế chấp nhận thất bại?
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều DN. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu người là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng DN, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các DN phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các DN.
Theo bà Dương Thanh Tâm, chuyển đổi số là con đường đúng đắn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Trong quá trình chuyển đổi số chắc chắn DN sẽ gặp thất bại, trả giá bằng thời gian, con người và cả tài chính để có được hệ thống chuyển đổi số phù hợp. Do vậy, DN nên sẵn tâm thế chấp nhận thất bại để không bỏ dở chừng thì quá trình chuyển đổi số mới thành công.
Để chuyển đổi số, đại diện VinCommerce cho rằng khách hàng phải là trung tâm của quá trình này. Chúng ta phải tương tác trực tiếp với khách hàng, đừng nghĩ phải có sản phẩm hoàn thiện mới tung ra mà DN phải đưa sản phẩm đơn sơ nhất, nguyên bản nhất khi khách hàng phản hồi thì các ứng dụng công nghệ mới cải tiến.
Đồng quan điểm với bà Tâm, ông Nguyễn Dương, chuyên gia chiến lược trải nghiệm khách hàng, sáng lập CemPatner, dẫn lại một khảo sát cho thấy, 60% DN đều lấy mục tiêu trải nghiệm khách hàng khi thực hiện chuyển đổi số.
Ông kể, chính bản thân mình từng viết email phản ánh về thẻ ngân hàng không giao dịch được để gửi đến ngân hàng mấy lần không nhận được phản rồi. Sau đó, ông ra chi nhánh cũng không giải quyết được. Về nhà, ông một lần nữa gọi điện nhưng nhân viên ngân hàng vẫn hỏi ông là ai, có nhu cầu gì. "Rõ ràng trải nghiệm khách hàng rất tệ hại", ông Dương phàn nàn.
Do vậy, ông Nguyễn Dương cho rằng chuyển đổi số phải xuất phát từ vấn đề của khách hàng, từ vấn đề nhân sự là những đối tượng của chuyển đổi số. Nếu không thay đổi chúng ta sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn, bởi vì mục tiêu cuối của chuyển đổi số là mang lại doanh thu.
Ông Trần Xuân Thủy Giám đốc Amazon Việt Nam Thông qua thực hiện ứng dụng công nghệ, một làng nghề hay hộ gia đình sản xuất hàng hóa đơn lẻ vẫn có thể xuất khẩu trực tuyến tới bất kỳ đâu trên thế giới. Điều mà những tưởng không bao giờ thực hiện được. Vì vậy, với các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần nhanh chóng sử dụng kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường, duy trì kinh doanh. Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Bộ LĐ-TB&XH Chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Tới đây chắc chắn sau chương trình Chuyển đổi số quốc gia thì phải có đề án chiến lược chuyển đổi số cho đào tạo. Chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột. Chúng ta phải đi theo chiến lược bài bản. Ông Đoàn Duy Khương Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số, DN, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị. Chính những DN đi đầu này về sau sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm cho những DN chậm hơn. Để thành công, các nhà máy, DN phải tận dụng những giải pháp công nghệ, sáng kiến mới giải quyết vấn đề tồn đọng của DN. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn để quy tụ các DN, hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất để làm động lực tăng trưởng. |
Lê Thúy