Ngân hàng "phòng thủ" nợ xấu, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn (Ảnh: Int) |
Tại Tọa đàm "Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp SMEs mùa cuối năm" ngày 29/10, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, tính trên dư nợ ở TP.HCM, ước tính từ nay đến cuối năm vẫn còn hơn 200.000 tỷ đồng có thể giải ngân để đáp ứng đủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2020. Vì vậy, các ngân hàng không thiếu vốn cho vay, điều quan trọng là các doanh nghiệp hấp thụ đến đâu.
Khó tiếp cận vốn vay
Khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, không chỉ có doanh nghiệp lớn mong muốn được hỗ trợ vốn rẻ, được giãn nợ và miễn giảm lãi suất cùng các khoản phí dịch vụ khác từ Chính phủ và ngành ngân hàng, mà doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, người lao động cũng kỳ vọng được cấp vốn.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết, song phải chọn lựa đối tượng cụ thể để hỗ trợ sao cho đúng và trúng. Có như vậy mới thực sự hiệu quả.
Tại Singapore, ngân hàng trung ương chỉ hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chứ không có quy định tương tự cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn.
Cũng giống như hầu hết các nước khác, tại Việt Nam, doanh nghiệp SME là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Trong khi đó, doanh nghiệp SME rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc kinh tế, lại hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng tiếp cận các nguồn vốn.
Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, đối tượng cần hỗ trợ đầu tiên trong các "cơn bĩ cực kinh tế" phải là doanh nghiệp SME. Các doanh nghiệp lớn thì ngược lại, tuy vẫn có thể phải đối mặt với khó khăn trên thị trường nhưng thường không bị những hạn chế tương tự như của doanh nghiệp SME, nên sẽ có nhiều cơ hội "sống sót" hơn.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ và giảm lãi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp SME.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp cho biết vẫn rất khó để tiếp cận dòng vốn từ những gói vay này. Các ngân hàng thương mại cũng có lý do riêng là phải “phòng thủ” nợ xấu trong tương lai, thậm chí có thể kéo dài hết năm sau. Đại diện NHNN đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể hạ chuẩn cho vay, dù là lý do Covid-19.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp, còn với tín chấp hay vay trên sản phẩm hình thành trong tương lai thì ngân hàng vẫn cho là rủi ro. Vì vậy, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn nếu không phải là khách hàng thân thiết và có tài sản đảm bảo.
“Mùa cuối năm, nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống công nhân viên là rất lớn, nhưng hiện nay doanh nghiệp nhỏ đang rất vất vả để xoay xở. Do đó, ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn”, ông Dũng bày tỏ.
Ngân hàng "đồng hành" cùng doanh nghiệp
Theo lý giải của đại diện NHNN, quy chế cho vay khách hàng của ngân hàng không có sự phân biệt đối xử giữa các nhóm khách hàng. Tuy nhiên, đi vào thực tế, những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh rõ ràng, có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ có nhiều chính sách thu hút khách hàng về mình. Còn doanh nghiệp yếu kém, hoạt động kinh doanh không đáng tin cậy, không có phương án tài chính minh bạch, nếu ngân hàng cho vay vốn thì nguy cơ nợ xấu cao.
Phản hồi thông tin này, ông Dũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp khi thực hiện phương án kinh doanh đều tin sẽ thành công, tuy nhiên quy mô của mỗi doanh nghiệp khác nhau. Với doanh nghiệp lớn sẽ có kế hoạch cụ thể, tính kỹ từ đầu vào đến đầu ra, nhưng doanh nghiệp SME chưa có đủ năng lực để có những kế hoạch cụ thể.
Vì vậy, điều kiện ngân hàng đặt ra cho doanh nghiệp SME là rất khó, cần có sự hỗ trợ của ngân hàng từ xây dựng phương án đến tư vấn, trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Đưa ra giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp SME và ngân hàng, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt cho biết, hiện nay hơn 70% nguồn vốn vay của ngân hàng dành cho doanh nghiệp SME, trong đó nhiều doanh nghiệp có tài sản đảm bảo giá trị thấp. Vì thế, ngân hàng luôn đồng hành tư vấn cho doanh nghiệp, nếu tài chính không mạnh thì khuyến khích doanh nghiệp dùng công nghệ thông tin để đánh giá và quản lý dòng tiền.
Theo ông Nhân, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có lúc sử dụng dòng tiền trên tài khoản, có khi lại dùng tiền mặt. Vì vậy, khi ứng dụng chuyển đổi số có khả năng kết nối sẽ tạo ra hoạt động minh bạch trong giao dịch.
“Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh sẽ là ưu điểm khi ngân hàng đánh giá cho vay vốn”, ông Nhân nói.
Thanh Hoa