Tại hội nghị về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, 2020 là năm có nhiều thay đổi do đại dịch COVID-19, trong đó dự báo kinh tế số sẽ phát triển "vũ bão".
Lựa chọn bắt buộc
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch Quỹ đầu tư Alabaster tại Mỹ nhận xét, lượng người dùng di chuyển từ thế giới offline lên online gia tăng mạnh mẽ trong 10 tháng của năm 2020, tương đương với sự phát triển của 5 năm qua. Đặc biệt, người dùng đang có xu hướng đẩy mạnh tìm kiếm sản phẩm mới trên môi trường online.
Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp. |
Vì vậy, nếu như 10 năm trước đây, các doanh nghiệp nỗ lực để thay đổi thói quen của người dùng từ mua hàng offline lên online, thì 10 năm tới, thế giới sẽ chứng kiến cảnh các doanh nghiệp online cạnh tranh với nhau bằng chất lượng trong thu hút khách hàng.
Theo bà Trang, nhiều người nghĩ rằng thị trường nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên doanh nghiệp chỉ còn trông chờ thị trường trong nước. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cơ hội xuất khẩu vẫn còn đó, mở ra rộng lớn hơn nữa, nếu doanh nghiệp biết sử dụng internet và kênh thương mại điện tử hiệu quả", bà Trang chia sẻ.
Dẫn chứng từ AREVO - một công ty duy nhất trên thế giới sản xuất bằng in 3D trên sợi carbon, bà Trang cho biết, nhờ có chuyển đối số trong sản xuất đã giúp công ty này thu hút được rất nhiều khách hàng dù đang trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Sản phẩm xe đạp của AREVO đã bán được 5.000 chiếc tới nhiều khách hàng trên thế giới.
"Điều này cho thấy, số hoá không nhất thiết diễn ra trong nền kinh tế internet mà nó diễn ra ngay trong một ngành truyền thống như sản xuất", bà Trang nhận định. Đồng thời, thế giới online cũng đang mở ra cơ hội công bằng và sòng phẳng cho mỗi doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp phải có sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng tốt nhất.
"2020 là năm kỳ lạ của nền kinh tế thế giới, xu hướng số hoá không còn là lựa chọn mà là bắt buộc với nhiều doanh nghiệp. Tôi tin thách thức này sẽ mở ra "sân chơi" mới và doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được, thúc đẩy phát triển của nền kinh tế Việt Nam", bà Trang chia sẻ.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh chiến lược (Tập đoàn FPT) cũng cho rằng, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số để đáp ứng các điều kiện trong tương lai sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Hiện, các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ số đang phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
"Thời khủng hoảng mang cơ hội mới cho những ai biết tận dụng. Thị trường thay đổi, các công ty thay đổi nhanh cùng thị trường sẽ trụ vững. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng thị phần do các đối thủ cạnh tranh gặp khó, khám phá các cơ hội kinh doanh mới, tăng doanh thu", ông Sơn nhận định.
Việt Nam phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc AVSE Global - Vietnam, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra mục tiêu rất cao về sự phát triển của kinh tế số Việt Nam: chiếm 25% GDP vào năm 2025 và trên 30% GDP vào năm 2030. Nhằm bắt kịp với xu hướng đổi mới sáng tạo, đạt được các mục tiêu tham vọng về phát triển kinh tế số và tăng cường năng lực cạnh tranh số cho Việt Nam, cần một hệ sinh thái toàn diện, cộng tác và gắn kết để nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo.
Trong đó, bà Thanh cho hay, số lượng người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật khá lớn. Vì vậy, Việt Nam cần tạo ra những điểm nhấn để thu hút nhân tài trở về hoặc xem họ như những đại sứ công nghệ của Việt Nam tại nơi họ đang làm việc.
Bà Thanh dẫn chứng các trường hợp thành công như Singapore có thể xếp đầu về số lượng phòng thí nghiệm và trung tâm đổi mới sáng tạo tính trên đầu người là bởi vì họ thành công trong chiến lược thu hút nhân tài, khởi động từ những năm 1970 để lôi kéo nhân tài từ nước ngoài cũng như những người Singapore đã thành tài ở nước ngoài hồi hương.
Hay Chính phủ Pháp với chương trình French Tech đã quảng bá Paris như một trung tâm khởi nghiệp châu Âu, là nơi để những người Pháp tài năng trở về, giao thoa và xây dựng những nền tảng công nghệ mới, những hoạt động kinh doanh mới. Bắt đầu thực hiện từ năm 2013 đến nay, nước Pháp đã có "kỳ lân" công nghệ thứ 10, trong mục tiêu 25 kỳ lân vào năm 2025.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam, đánh giá trong 20 năm trở lại, đổi mới sáng tạo là "kim chỉ nam" của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, chương trình quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động năm 2016 đã tạo cú hích quan trọng đưa nước ta vào quỹ đạo nền kinh tế với mô hình tăng trưởng hiện tại. Cho đến lúc này, chìa khóa cho tăng trưởng không còn ẩn số - đó chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo ông Khương, đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam, nhưng đây cũng là bài kiểm chứng năng lực đổi mới sáng tạo tiềm tàng trong mỗi con người, doanh nghiệp Việt.
Để tiến xa, ông Khương cho rằng, Việt Nam phải trở thành một trung tâm của đổi mới sáng tạo toàn cầu. Để làm được điều này, Việt Nam phải xây dựng hình ảnh về một Việt Nam - điểm đến đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút đầu tư nhân lực chất lượng cao. Tiếp đó, thiết kế các cụm kinh tế cạnh tranh theo lĩnh vực chuyên sâu, kết nối các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu với nhu cầu doanh nghiệp, xã hội.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Nhà nước như một nền tảng cung cấp dịch vụ công, công cụ kết nối người dân, doanh nghiệp và xã hội.
"Những quốc gia và doanh nghiệp tập trung hết mình cho nỗ lực đổi mới sáng tạo ngày hôm nay sẽ làm chủ con đường tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trong tương lai", ông Khương nhấn mạnh.
Lê Thúy