Theo Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dự kiến vào sáng 11/11, các Đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tiền đề cho giai đoạn 2021-2025.
Những con số đầy thách thức
Còn nhớ vào đầu kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%...
Cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt được mục tiêu trước mắt là thoát bẫy thu nhập trung bình. |
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến thêm 3 chỉ tiêu gồm: Quy mô GDP bình quân đầu người; tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng và năng suất lao động xã hội, nâng tổng số chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lên 15 chỉ tiêu.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm...
Đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, song ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đây là một con số đầy thách thức nếu như nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.
Ông Lộc phân tích, từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2019 và 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong 5 năm tới là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực.
"Có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn, nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ, và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là điều rất cần cẩn trọng", ông Lộc nói.
Theo đó, Chủ tịch VCCI đề nghị: Chính phủ trong chỉ đạo điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên.
Cụ thể, để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao trong khi vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, thì giải pháp của mọi giải pháp vẫn là tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) và khơi thông các nguồn vốn đầu tư. Ông Lộc cho rằng phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN. Chương trình rà xét, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh đã được Chính phủ khởi động cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị: Chính phủ có chương trình phát triển DN cho cả nhiệm kỳ nhằm tới mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu lao động.
Dư địa phát triển nằm ở đâu?
Trong khi đó, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng GDP là chỉ số quan trọng nhưng không phải là con số duy nhất phản ánh sự phồn vinh và chất lượng phát triển của một quốc gia. Chúng ta cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt được mục tiêu trước mắt là thoát bẫy thu nhập trung bình, nhưng điều quan trọng hơn là tăng trưởng phải có tính bền vững trong trung và dài hạn, nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, đề cao các giá trị xã hội và môi trường.
Theo ông Bình, khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi các gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng phải với các mục tiêu rõ ràng hơn, theo đó cần bổ sung mục tiêu kích thích tăng trưởng. Năm 2021 có thể là thời điểm phù hợp để thực hiện các gói hỗ trợ và kích thích này với liều lượng phù hợp.
Gói hỗ trợ có thể dành cho các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và có tiềm năng phục hồi, đồng thời rất cần có các gói kích thích để hướng tới các DN có tiềm năng tăng trưởng mạnh và trở thành các động lực tăng trưởng mới. Ví dụ như trong các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chế biến chế tạo công nghệ cao, và các ngành có tiềm năng tận dụng tốt nhất cơ hội các Hiệp định thương mại tự do.
"Các gói hỗ trợ này không thể tách rời khỏi những cân nhắc khác về các cân đối lớn của nền kinh tế, về ổn định kinh tế vĩ mô, các hoạt động hỗ trợ và tái thiết cho miền Trung sau bão lũ, và các nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia", ông Bình nói.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, tác động của đại dịch COVID-19 thay đổi nhiều kế hoạch ban đầu về phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, về căn bản Chính phủ đã nhận diện được tác động bất lợi cũng như những cơ hội được tạo ra từ đại dịch này. Từ đó Chính phủ đã đưa ra được chính sách, giải pháp đối phó, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Điều này thể hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.
"Đặc biệt, những nhiệm vụ còn giang dở như tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà trong giai đoạn 2016-2020 chưa khắc phục được, đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ tác động làm quá trình thực hiện nhiệm vụ trên trở nên cấp bách, căn bản hơn", ông Cung kỳ vọng.
Theo đó, ông Cung cho rằng tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên nhiều đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... tạo áp lực tận dụng cơ hội mới, khắc phục khiếm khuyết. Đồng thời, các chỉ tiêu phát triển cụ thể cần thay đổi, nhấn mạnh tới phục hồi kinh tế, kích thích kinh tế...
Ông Cung nêu quan điểm, cần tập trung nhiều hơn vào các địa phương đầu tàu dẫn dắt kinh tế cả nước như TP.HCM, Hải Phòng, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…
"Về phía DN, thay đổi cách thức tái cơ cấu khu vực DN Nhà nước, trong đó nhấn mạnh vào sử dụng hiệu quả nguồn lực, không chỉ tập trung thoái vốn, cổ phần hoá giúp DNNN tự chủ nhiều hơn, bớt xin cho trong quyết định đầu tư.", ông Cung nói.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh về chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bất ổn của địa chính trị thế giới, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của Việt Nam khi tham gia ký kết các Hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới với EU (EVFTA, EVIPA),... Ông Trần Hoàng Ngân Đại biểu Quốc hội (Đoàn Tp.HCM) Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, trong đó kịch bản tốt nhất là COVID-19 được kiểm soát, vaccine có hiệu quả và kinh tế thế giới phục hồi. Trong điều kiện này thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trên 6% khả thi. Tuy nhiên, chúng ta phải có kịch bản trong trường hợp điều kiện diễn biến không thuận lợi, đó là chưa tìm ra vaccine, COVID - 19 có thể tái phát trở lại và kinh tế thế giới suy thoái kép, trong trường hợp này thì tăng trưởng chỉ có thể đạt khoảng 4 - 4,5% như dự báo. Ông Đinh Tuấn Minh Chuyên gia kinh tế Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh là một cơ hội tốt để Việt Nam bắt kịp các nước khác khi vượt qua cuộc khủng hoảng này nhưng với điều kiện Việt Nam giảm được các tác động tiêu cực từ đại dịch lên nền kinh tế. Việt Nam cần đưa ra được những chính sách bồi dưỡng các yếu tố nền tảng, đó là cải cách về thuế, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo... |
Lê Thúy