Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) vừa cho biết tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 20/2, cả nước có 411 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017; có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 700,3 triệu USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ.
Hai nền kinh tế trong một quốc gia
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2018, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực. Theo đối tác đầu tư, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo địa bàn đầu tư, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố.
Quả thực, đây là những con số không tồi về kết quả thu hút FDI. Tuy nhiên, về kết quả xuất khẩu (XK), Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong 2 tháng đầu năm 2018, XK của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 71,3% kim ngạch XK. XK không kể dầu thô đạt 23,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 70,1% kim ngạch XK. Như vậy, doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ còn chiếm gần 30% kim ngạch XK.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá tăng trưởng XK và thu hút FDI là thành tựu đạt được trong thời gian qua, nhưng cũng nảy sinh thêm vấn đề nhức nhối.
Chính phủ nói nhiều về giải pháp khắc phục hiện tượng “hai nền kinh tế trong một quốc gia”, khu vực FDI tăng trưởng mạnh chiếm 72% XK, trong khi DN trong nước không phát triển được bao nhiêu, vẫn tiếp tục tình trạng gia công. Nguyên nhân là mối liên kết giữa khối nội và khối ngoại còn lỏng lẻo”, bà Lan nêu quan điểm.
Nhìn vào thực tế này, bà Lan cho rằng chỉ có một số trường hợp DN FDI liên doanh với DN trong nước, nhưng chủ yếu là DN nhà nước (DNNN)
“Sở dĩ FDI nhằm vào DNNN chẳng qua chỉ để lấy lợi thế của DNNN là ưu đãi đất đai, cơ chế, quyền kinh doanh, mạng lưới kinh doanh có sẵn, tỷ lệ thị phần cao… chứ chẳng phải đánh giá cao gì DNNN. Sau thời gian liên doanh, phía Việt Nam mất dần vốn, chẳng còn bao nhiêu, thậm chí có những trường hợp mất hẳn trên thị trường, trở thành DN 100% vốn ngoại”, bà Lan nêu quan điểm.
Trong khi đó, hiện nay, các DN FDI đang hưởng khá nhiều ưu đãi. Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2016, con số lợi nhuận mà các DN FDI tạo ra cao hơn đáng kể so với mức lợi nhuận khiêm tốn của các DN tư nhân (188,1 nghìn tỷ đồng) và 197,4 nghìn tỷ đồng của DNNN.
Tuy nhiên, các DN FDI chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016, thấp hơn khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước.
Đã đến lúc cần chọn lọc trong thu hút vốn ngoại
Phải thay đổi chiến lược thu hút
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), lý giải nguyên nhân là do chủ trương thu hút FDI của các địa phương, DN FDI chủ yếu tập trung vào đầu tư công nghệ cao – luôn có những ưu đãi nhất định.
Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng trong thu hút FDI thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng thu hút DN thực sự có khả năng chuyển giao công nghệ. Nếu có cam kết chuyển giao công nghệ thì phải thực hiện.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cần phải chủ động trong việc thu hút đầu tư, đừng thu hút bằng mọi giá, trao quyền cho các địa phương quá nhiều. Thu hút lấy lượng nhiều khi gây họa cho địa phương.
“Chính phủ, Trung ương phải cương quyết trong trường hợp FDI không đạt yêu cầu, Nhà nước phải có biện pháp chủ động của mình. Ví dụ đóng cửa DN FDI đó, không thực hiện cam kết phải có sự trừng phạt, chứ đừng buông lỏng”, bà Lan nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng cần chú trọng thu hút các NĐT nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà DN trong nước còn yếu và thiếu.
Mặt khác, theo Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2018 cần có cách nhìn khác về thu hút FDI, không phải là bác bỏ, loại bỏ các DN FDI mà là vấn đề cần thay đổi chiến lược thu hút.
Theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà. Không để tình trạng ai vào cũng chấp nhận. Cần chấm dứt tình trạng thu hút FDI với ưu đãi kéo dài hàng chục năm; thu hút để lập thành tích, để lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá.
Vì vậy, khuyến nghị xây dựng khung chính sách FDI, theo các chuyên gia, cần coi nhiệm vụ tăng năng lực của khu vực DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân là một cấu thành quan trọng của chính sách FDI. Có như vậy mới tăng hiệu quả của FDI (lan tỏa FDI là một tiêu chí đánh giá hiệu quả).
Định hướng thu hút FDI cần chọn lọc, trong đó cần mở ra cơ hội cho DN trong nước tham gia chuỗi giá trị của ngành/DN FDI và có bước chuẩn bị trước để đón nhận chủ động. Có thể coi cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị này là điều kiện để thu hút FDI.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cần rà soát, tái cấu trúc các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tạo dựng liên kết sản xuất với khu vực FDI; tập trung vào năng lực công nghệ; đào tạo nhân lực; năng lực thực thi hợp đồng; năng lực quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Lê Thúy
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Yếu tố hàng đầu quan trọng nhất của Việt Nam hấp dẫn với NĐT nước ngoài là chi phí rẻ. Trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu không có yếu tố nào về chất lượng điều hành, chỉ toàn là chi phí rẻ. Nhưng yếu tố chi phí rẻ này sẽ dần mất đi khi chi phí lương tăng lên, đất đai không còn quá sẵn, môi trường bị siết… Liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn của các NĐT nữa không? Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và tạo điều kiện để tạo ra sự kết nối lớn hơn giữa các DN trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề chuyển giao công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, gia tăng kim ngạch XK. Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Cần đặt ra những điều kiện về trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ cao với thu hút vốn ngoại, chúng ta cần phải chuyển sang đi “săn” các NĐT có năng lực, đẳng cấp, chứ không thể dễ dãi được mãi trong thu hút FDI như trước đây. |