Hồi giữa năm ngoái, thấy giá cà phê giảm ở mức rất thấp dao động trong khoảng 35.400 – 36.200 đồng/kg, bà Ngô Thị Nga ở huyện Định Quán (Đồng Nai) đã mua trữ 3 tấn với hy vọng năm sau giá lên thì bán lại kiếm lời. Thế nhưng, một năm trôi qua, giá cà phê vẫn kém khởi sắc, không như dự tính của bà Nga.
Vì giá khó bật tăng, bán lại sẽ không có lãi nên 3 tấn cà phê nêu trên vẫn đang nằm tồn chình ình trong kho. Mức giá quá thấp nên việc ngại bung hàng ra thị trường không chỉ riêng bà Nga mà là tình trạng chung hiện nay của người dân và các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cà phê.
Ám ảnh giá thấp
Nhiều dự báo cho thấy giá cà phê thời gian tới khó lòng phục hồi do áp lực nguồn cung lớn. Do vậy, niên vụ tới có thể tiếp tục khoảng thời gian khó khăn đối với người trồng cà phê.
Chưa kể, giá cà phê chạm đáy trong khi các loại chi phí như xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu thì lại tăng, khiến cho giá thành sản xuất cao hơn cả giá bán. Điều này làm nhiều hộ nông dân không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bám trụ với cây cà phê và chuyển sang trồng các loại cây khác có lợi nhuận cao hơn.
Có thể thấy, sau giai đoạn tăng cao trong niên vụ 2015/2016, giá cà phê đã biến động giảm dần từ niên vụ 2016/2017 đến nay. Trong khi đó, theo dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê niên vụ 2019/2020 của Việt Nam ước đạt 30,5 triệu bao, tăng nhẹ (khoảng 100.000 bao) so với niên vụ trước.
Trong bối cảnh diện tích cà phê hồi 2018 đạt khoảng 688.400 ha, tăng 10.800 ha so với năm 2017 thì sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2019/2020 được dự báo tăng nhẹ so với niên vụ trước, khiến cho giá cà phê Robusta sẽ bị ảnh hưởng. Nếu giá cà phê thấp kéo dài thì việc tồn kho cà phê cuối vụ 2018/2019 và dự kiến cuối vụ 2019/2020 có thể sẽ tăng thêm.
Do giá thế giới vẫn thấp nên tình hình xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn là điều thấy rõ. Giá cà phê XK trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1.730 USD/tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 4 tháng đầu năm nay, XK cà phê sang gần như toàn bộ các thị trường bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn như EU, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều sụt giảm mạnh
Tổng cộng 631.946 tấn cà phê (khoảng 10,53 triệu bao) đã được xuất đi, giảm 95.011 tấn, tức giảm 13,07% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về kim ngạch, chỉ đạt 1,093 tỷ USD, giảm 21,98% so với tổng giá trị kim ngạch XK cùng kỳ năm 2018.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là khi nào giá cà phê sẽ được cải thiện. Theo chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình, thị trường cà phê đang đứng trước tình thế khá phức tạp: Yếu tố kỹ thuật và thời tiết đang ủng hộ giá lên nhưng các dự báo sản lượng niên vụ sắp tới 2019/2020 làm tăng thêm lo ngại cho riêng phía Robusta.
Ông Bình nhận định về đường dài, một khi ảnh hưởng tin thời tiết không còn, giá cà phê Robusta khó có thể tăng mạnh, nhất là khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cà phê từ Mỹ lên mức cao nhất 25% để trả đũa Mỹ trong trận thương chiến chưa có hồi kết. Mỹ là một trong những nước nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Một khi giảm thị trường bán, lực mua nhập khẩu của họ cũng sẽ giảm.
Cà phê Việt nên chọn "lối ngách" trước cảnh giá giảm |
Nên có "lối ngách"
Giá thấp, lại chủ yếu vẫn là xuất thô (chỉ đảm bảo XK chế biến sâu được 10%) nên những chơi vơi của ngành hàng này trong hiện tại cũng như tương lai là khó tránh khỏi, nhất là theo dự báo, giá cà phê vối từ 2.200 USD/tấn vào năm 2014 sẽ giảm xuống còn 1.800 USD/ tấn vào năm 2025.
Trong khi đó, các DN nước ngoài mua nguyên liệu giá rẻ của Việt Nam, sau đó về nước chế biến để thu được giá trị gia tăng cao nhất. Một vấn đề cần lưu ý là trong ngành cà phê, vẫn còn hạn chế việc các DN chế biến, XK mua trực tiếp từ nông dân. Điều này làm cho chuỗi giá trị cà phê khó phát triển, nâng được giá trị cà phê XK.
Trước tình hình bất cập như vậy, giới chuyên gia cho rằng việc chế biến sâu được coi là "lối ngách" cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam do giá cà phê sau khi chế biến sâu trung bình đạt 3.726 – 5.112 USD/tấn, gần gấp 2 – 3 so với giá cà phê thô XK.
Cần nhắc lại, lượng cà phê chế biến XK giai đoạn 2014 – 2016 tăng gần 70%, lên 91.036 tấn. Giá trị cũng đạt mức tăng trưởng 23,8% lên 339,26 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của chế biến sâu cà phê dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng XK. Trong khi đó, theo dự báo trong 5 năm tới, lượng XK cà phê đã qua chế biến sẽ tăng lên đến 200.000 tấn, gấp đôi hiện tại.
Nhìn chung, trong thời gian tới, để ngành cà phê bớt chơi vơi, điều cần làm đầu tiên là phải giải quyết thách thức dài hạn về năng lực cạnh tranh và tăng chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cà phê XK. Vai trò của DN, nông hộ và khâu làm chính sách phải có sự đồng bộ trong chuyện này.
Thế Vinh