Thứ trưởng Bộ Tài chính, Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội thảo: Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính
Ngày 12.10 tại Hội thảo: Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành tài chính nhằm hướng đến nền tài chính công khai, minh bạch, bền vững. Từ đó, cung cấp các sản phẩm tài chính công hiện đại phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chuyển từ văn bản giấy sang số hóa
Chia sẻ tại hội thảo, ông Chu Khánh Hòa, Phó Tổng giám đốc Khối Tài chính công, công ty Hệ thống thông tin FPT cho hay, hành vi gian lận truyền thống có thể xảy ra tại tất cả các khâu của quy trình thuế, từ đăng ký thuế, đến nộp thuế, nợ thuế khiến nhà nước thất thu hàng tỷ đồng.
Hiện nay, gian lận thuế xảy ra nhiều nhất ở khâu hạch toán, kế toán về kê khai thuế sai. Các doanh nghiệp thường “trốn” thuế bằng cách tạo giao dịch bán hàng giả mảo ghi bán giá thấp hơn giá thực tế.
Tuy nhiên, với cuộc cách mạng 4.0, với sự chuyển đổi mạnh từ văn bản giấy sang số hóa, “ sổ cái điện tử”, cơ quan quản lý sẽ phát hiện dễ hơn các bất thường của dữ liệu theo chuỗi.
Giới chuyên gia cho rằng, đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ hội nhìn từ cách mạng 4.0 là thay đổi cách thức cung cấp và quản lý dịch vụ công.
Theo đó, cơ quan thuế, hải quan có thể chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm bớt phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp trong các khâu thanh kiểm tra mà lại không bị thất thu thế.
Thứ trưởng khẳng định, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa ngành tài chính phải hướng đến nền tài chính công khai, minh bạch, bền vững; quản lý, phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính công hiện đại phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, Bộ Tài chính cho biết, có 55% doanh nghiệp khảo sát đưa ra quan điểm kết luận rằng, cuộc cách mạng 4.0 tác động lớn đến doanh nghiệp. Sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang đặt mỗi ngành trước yêu cầu phải từng bước hoàn thiện để thích nghi.
Dữ liệu ngành tài chính sẽ được công khai
Thứ trưởng Mai cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách mạnh mẽ để phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng với đó, một loạt các văn bản, chính sách, cơ chế liên quan đến phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và phát triển công nghệ thông tin thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng.
Gần đây nhất, ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tận dụng tối đa lợi thế.
Trước bối cảnh được hậu thuẫn vững chắc, ngành tài chính cũng đặt ra chiến lược, năm 2020 xây dựng thành công tài chính điện tử, từng bước chuyển đổi sang tài chính mở năm 2025, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang tài chính số năm 2030.
Cụ thể hơn, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính nói, một trong những điểm khác biệt là Chính phủ điện tử tập trung cung cấp dịch vụ truyền thống qua kênh trực tuyến trong khi Chính phủ số chú trọng chất lượng dữ liệu trực tuyến… để hỗ trợ quản lý của Chính phủ.
Riêng với Bộ Tài chính, kế hoạch đặt ra là tới năm 2020, 100% thủ tục hành chính được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến và hoàn thành hệ thống “đám mây Bộ Tài chính”. Năm 2025, 50% dữ liệu ngành tài chính sẽ được công khai tới người dân, doanh nghiệp trong đó tập trung lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán…
Thanh Hoa