Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Bộ Công Thương kiên định việc giữ Quỹ Bình ổn
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn giữ ổn định giá xăng dầu thì phải có Quỹ bình ổn.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang âm quỹ bình ổn hàng trăm tỷ đồng. |
Ông Diên chứng minh: Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01- 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành này chỉ tăng từ 24,91- 39,56%. Giá xăng dầu Việt Nam tăng thấp hơn thế giới là do việc sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn.
Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
"Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, đồng thời bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Tuy nhiên, thời gian qua, những tranh luận về việc có nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn vẫn được đặt ra, nhất là trong bối cảnh số dư của Quỹ chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng, một số doanh nghiệp đầu mối bị âm quỹ, dẫn tới Quỹ Bình ổn không phát huy nhiều tác dụng đúng với tên gọi của mình.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ Bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn Quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường.
Hai quan điểm trái chiều?
Mới đây, Bộ Tài chính thông tin hết năm 2021, số Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn gần 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, 14/35 doanh nghiệp xăng dầu đang âm quỹ gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là PVOil và Petrolimex ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá âm lần lượt ở mức 776 tỷ đồng và 184 tỷ đồng.
Đó là số liệu hết năm 2021. Trên thực tế sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11/3/2022, số âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ lớn hơn, bởi trước ngày 11/3, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Petrolimex âm 250 tỷ đồng, PVOil âm 840,08 tỷ đồng.
Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục khó đoán định trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, nhưng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - công cụ điều hành thị trường trong nước gần như cạn kiệt. Do đó, để giảm giá xăng dầu chỉ có cách trông chờ vào công cụ thuế và phí.
Vậy, trong thời gian tới có nên tính tới việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hay thực hiện theo phương án của Bộ Công Thương là đổi mới cách thức vận hành, hoạt động của Quỹ?
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại nhiều doanh nghiệp chủ chốt bị âm thì không có tác dụng nhiều trong việc bình ổn giá. "Có lẽ chúng ta phải chấp nhận thực tế giá tăng hay giảm theo cơ chế thị trường. Đây là giải pháp tốt và khả thi nhất để vận hành thị trường xăng dầu", ông Bảo nói.
Trong khi đó, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu thì bỏ Quỹ Bình ổn rất khó, muốn bỏ thì phải để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, không còn sự thống lĩnh của một số "ông lớn".
Bình luận về đề xuất nâng quy mô quỹ thông qua nguồn ngân sách nhà nước, ông Long phân tích: Hiện nay, nguồn Quỹ Bình ổn giá thực chất là số tiền tạm ứng trước của người tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn "thổi lớn" quỹ lên thì không thể sử dụng nguồn ngân sách, vì như thế là vi phạm cam kết thương mại quốc tế để trợ giá xăng dầu.
Chẳng hạn như Nhật Bản giữ ổn định giá xăng dầu bằng quỹ an sinh xã hội. Đây là cách hay, chứ không phải dùng ngân sách để bỏ vào Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Theo đó, ông Long cho rằng muốn nâng quy mô của Quỹ Bình ổn chỉ còn cách chờ khi giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt thì trích lập, nuôi dưỡng nguồn Quỹ một cách hiệu quả, đừng để nguồn tiền bị "chết".
Theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường sẽ được trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 300 đồng. Nhiều ý kiến đánh giá việc trích lập quỹ như vậy đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ.
Vì vậy, có quan điểm cho rằng doanh nghiệp xăng dầu có lãi cũng phải trích lập quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Long, đây là đề xuất bất khả thi "bởi doanh nghiệp không đời nào chịu bỏ một ít phần lãi của mình vào Quỹ, vì trong kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu". Chính vì thế, đề xuất đã được đưa ra nhiều lần nhưng không khả thi để thực hiện.
Trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/3, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng bày tỏ mong muốn cơ quan điều hành có thể trích quỹ để bù lại những đợt xả mạnh trước đó, tránh việc doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để bù quỹ.
Nhật Linh