Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Trước tình trạng giá xăng dầu tăng rất mạnh, Chính phủ yêu cầu xem xét về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. |
Đặc biệt, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước. Còn tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới.
Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics…
Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; chậm phục hồi kinh tế có thể xảy ra nếu không quyết liệt, tập trung thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.
"Rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ", Chính phủ yêu cầu.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu. Chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan xử lý kịp thời tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại cửa khẩu biên giới đất liền; tham mưu đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài. Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu, lưu ý các thị trường nhập siêu lớn.
Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách bình ổn giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, ổn định sản xuất nông nghiệp; có các giải pháp định hướng sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch nhằm bảo đảm các điều kiện xuất khẩu nông sản theo phương thức và thông lệ mua bán hàng hóa quốc tế.
Quay trở lại câu chuyện xăng dầu, theo Bộ Tài chính, hết năm 2021, số Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn gần 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, 14/35 doanh nghiệp xăng dầu đang âm gần 1.500 tỷ đồng trong Quỹ Bình ổn.
Đáng chú ý, tính đến 15 giờ ngày 11/3, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh từ 3.000 - 4.000 đồng/lít/kg, Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex tiếp tục âm 250 tỷ đồng so với lần điều chỉnh giá trước đó (ngày 1/3).
Trong bối cảnh nguồn lực của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cạn kiệt, để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Thy Lê