Tại kỳ điều chỉnh giá vào chiều ngày 11/10, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ 517 - 979 đồng/lít/kg. Đáng chú ý, đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp, đẩy giá xăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Các doanh nghiệp cho biết, thị trường xăng dầu trong nước đang chịu áp lực rất lớn từ đà tăng giá của thế giới.
Doanh nghiệp xăng dầu cũng than khó
Theo nguồn tin của VnBusiness từ một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn trong nước, khả năng giảm giá xăng dầu trong nước thời gian tới là rất khó. Trong bối cảnh nguồn lực từ Quỹ Bình ổn giá (BOG) không còn nhiều, thì việc giảm thuế, phí là cần thiết để bình ổn giá xăng dầu. Mặt khác, bên cạnh giá cả tăng cao, nguồn cung xăng dầu hiện nay cũng đang có vấn đề.
Giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn từ giá thế giới, trong bối cảnh nguồn lực từ Quỹ bình ổn giá không còn nhiều. |
Trong khi đó, chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I (TP.Hà Nội) cho hay, khan hiếm nguồn cung thì không thấy, song vấn đề giá cả tăng cao cũng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ giảm mạnh, bán càng nhiều thì lỗ càng lớn.
Ông Tiu cho biết, giá chiết khấu tại đầu mối dành cho đơn vị phân phối, bán lẻ là 200 đồng/lít/kg với mặt hàng dầu, 400 đồng/lít với mặt hàng xăng, chưa tính chi phí vận chuyển. Nếu tính cả chi phí vận chuyển thì doanh nghiệp phân phối, bán lẻ chỉ còn được 100 đồng/lít/kg, không đủ bù đắp chi phí.
Trong bối cảnh Quỹ BOG xăng dầu không còn nhiều, cả doanh nghiệp đầu mối và phân phối bán lẻ xăng dầu cho rằng Nhà nước cần phải xem xét giảm thuế, phí. Giá tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội, đời sống của người dân, tốc độ phục hồi của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ đầu năm đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành ngày 11/10 vừa qua, nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100- 950 đồng/lít, giá xăng E5 RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.079-1.917 đồng/lít so với giá hiện hành.
Tuy vậy, việc tiếp tục chi sử dụng Quỹ BOG trong bối cảnh có tới 14 doanh nghiệp âm và số dư Quỹ chỉ còn 670 tỷ đồng (tính đến thời điểm trước kỳ điều hành giá ngày 11/10) đặt ra thách thức lớn để kiểm soát giá xăng dầu trong thời gian tới.
Hiệu quả của Quỹ ở đâu?
Do sử dụng Quỹ BOG nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dư địa của Quỹ BOG hiện không còn nhiều. Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm Quỹ, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Petrolimex và PV OIL có số âm Quỹ cao.
Cụ thể, trước thời điểm 15h ngày 11/10, Quỹ BOG xăng dầu hình thành tại Petrolimex là -190 tỷ đồng. PVOIL cho biết Quỹ BOG xăng dầu tại doanh nghiệp trước thời điểm điều hành giá xăng dầu lúc 15h ngày 25/9 là -709,41 tỷ đồng.
Quỹ BOG của nhiều "ông lớn" âm, vậy thời gian tới, nhà điều hành sẽ lấy gì để bình ổn thị trường xăng dầu khi mà bài toán về giảm thuế vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa để cân nhắc. Trên thực tế, dư luận lại một lần nữa đặt ra câu hỏi về cách điều hành, sử dụng Quỹ BOG thời gian qua liệu đã phù hợp?
Trao đổi với VnBusiness, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, việc trông chờ vào Quỹ BOG để hạ giá xăng dầu trong nước là rất khó. Nhiều doanh nghiệp đầu mối có số âm quỹ khá lớn.
Theo đó, liên hệ thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 và việc sử dụng Quỹ BOG trong thời gian qua, ông Bảo phân tích: Chúng ta khuyến khích người dùng sử dụng xăng E5 nhưng lại không có ưu đãi gì về thuế cho mặt hàng này. Bởi vậy, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã nhiều lần phải sử dụng Quỹ BOG để tạo độ chênh giữa xăng E5 và RON 95, mức chênh về giá giữa hai mặt hàng này khoảng 1.000 đồng/lít, thể hiện sự nỗ lực của nhà điều hành.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhìn nhận điều này lại phản ánh bất cập trong trong việc sử dụng Quỹ BOG. Việc sử dụng Quỹ để kéo giảm giá xăng E5 vô tình lại làm giảm nguồn lực để hạ giá xăng dầu khi giá thị trường lên cao.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ông Bảo cho rằng, có lẽ bài toán khả thi nhất vẫn phải chấp nhận cơ chế thị trường, lên - giảm theo thị trường. "Quỹ BOG được xây dựng nhằm mục đích để bình ổn xăng dầu trong những lúc khó khăn nhưng Quỹ gần như nguồn lực không còn nhiều (nhiều doanh nghiệp chủ chốt bị âm), dẫn đến tác dụng của Quỹ không có nhiều.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), thực tế thì cũng cần thông cảm cho nhà điều hành. Bởi 2 năm qua là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy việc sử dụng công cụ Quỹ BOG để giảm giá xăng dầu cũng nhằm mục đích để kéo giảm giá xăng dầu.
Tuy nhiên, xét về quan điểm cá nhân, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, ông không ủng hộ việc tiếp tục duy trì Quỹ BOG xăng dầu: "Tôi đã nhiều lần phản đối việc duy trì quỹ này, bởi việc vận hành, sử dụng, quản lý rất phức tạp, đòi hỏi sự minh bạch. Hơn nữa, Quỹ thực sự chỉ có ý nghĩa khi giá xăng dầu tăng nhẹ, chứ còn tăng liên tục như hiện nay thì không có đủ nguồn lực, không có nhiều ý nghĩa. Diễn biến thị trường giá xăng dầu nên để thị trường quyết định".
Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng 35 - 43%, tuy nhiên ở thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng Quỹ BOG linh hoạt, nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 30-35%.
Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc giảm thuế, phí, trong đó nhấn mạnh tới thuế bảo vệ môi trường với xăng E5. Hiện nay, các loại thuế, phí đang chiếm tỷ trọng từ 42 - 43% giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, trong đó thuế bảo vệ môi trường được tính cơ học theo giá trị tuyệt đối với mặt hàng xăng E5 là 3.800 đồng/lít.
Lê Thúy