Mới đây, Vietravel Airlines - hãng hàng không lữ hành chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế, đã ký hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không VUAir Cargo. Theo đó, Vietravel Airlines và Asean Cargo Gateway (ACG) sẽ hợp tác góp vốn vào VUAir Cargo theo tỷ lệ tương ứng là 51% - 49%, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng hàng không trong khu vực.
"Trong nguy có cơ"
Sự hợp tác này cũng một phần nhằm tận dụng cơ hội về vận chuyển khi các cơ sở sản xuất sẽ dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận và Việt Nam là một ứng viên sáng giá nhận dòng vốn này. Đây là cơ hội cho ngành logistics Việt Nam, cũng như vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không.
Nhiều cơ hội đang tới với doanh nghiệp logistics Việt. |
Thực tế, 2 năm qua nếu như COVID-19 là nỗi ám ảnh của đa phần các doanh nghiệp thì với ngành logistics, đây lại là cơ hội lớn để tận dụng được các cơ hội phát triển từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group, chia sẻ trong quãng thời gian vừa qua, doanh nghiệp đang nhận được rất nhiều đơn hàng, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn doanh thu mới.
“Trong nguy có cơ”, ông Thuật chia sẻ dịch COVID-19 trùng với thời điểm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thực thi đã giúp doanh nghiệp có thêm rất nhiều cơ hội. “Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, cũng là cơ hội để doanh nghiệp logistics có thêm đơn hàng, tìm kiếm thêm vị trí mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thuật nói.
Tuy nhiên, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics Việt, tức cũng mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 cũng từng chỉ ra việc các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Mặc dù doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 95% nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao.
Theo đó, hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam đang diễn ra sôi động hơn trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra cùng với xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hoạt động mua bán và sáp nhập chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cũng chia sẻ trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần) vừa qua, lợi nhuận "rơi vào túi" của các hãng lớn ở nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh phát triển đội tàu, trong đó có container là rất quan trọng.
Doanh nghiệp nội cần hợp sức
Vì vậy, ông Trung kiến nghị ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm thì việc phát triển đội tàu cũng cần chú trọng. Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như: than (từ 40-70 triệu tấn/năm) hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu đó cho đội tàu Việt Nam (trên cơ sở giá thắng thầu vận tải). Các nước khác như Indonesia, Philipines đều áp dụng cơ chế này.
Không chỉ "so găng" với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Mai Trần Thuật cho biết sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cũng rất gay gắt. Điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thị trường phục hồi, nhu cầu xuất khẩu tăng lên, tất yếu khách hàng đến với ngành logistics sẽ nhiều hơn. Song, để nắm bắt được các cơ hội này, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải hợp sức, kết nối thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
“Một chiếc đũa không thể cạnh tranh được với bó đũa, vì vậy cần kết nối lại để cạnh tranh", Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên khuyến nghị, thách thức cạnh tranh từ hội nhập trong thời gian tới sẽ lớn hơn. Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, một số doanh nghiệp EU trong lĩnh vực logistics sẽ có điều kiện vào Việt Nam. Khi đó, nhiều dịch vụ của các doanh nghiệp Việt sẽ không còn được họ thuê để làm. Dẫn tới, nếu không liên kết với nhau sẽ xảy ra tình cảnh doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau để giành nguồn hàng, dìm giá, mất cơ hội tận dụng FTA.
Bên cạnh đó, ông Khanh nhìn nhận cơ hội của ngành logistics là có nhưng tận dụng được hay không cũng lại là câu chuyện khác, đó là thiếu vốn và nguồn nhân lực hạn chế.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải xác định tư duy lớn lên, tiếp cận trình độ quốc tế, vươn ra bên ngoài. "Chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu, đồng thời doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tốt sẽ có khả năng vượt trội, vươn xa hơn", ông Hải nói.
Về phía Nhà nước, ông Hải cho hay Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển logistics gắn với hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới tốt hơn.
Về phía doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, đại diện Bee Logistics Group, cho rằng cần vận động, cải tiến bản thân trước bằng cách đầu tư công nghệ hiện đại, mua các phần mềm cung cấp dịch vụ logistics từ nước ngoài. Đây cũng là một cơ hội giúp doanh nghiệp trở thành đối tác của các “ông lớn” ngoại.
Nhật Linh